Đằng sau câu chuyện kinh điển về cá voi Moby Dick được tái hiện trên màn ảnh rộng trong phim “Biển sâu dậy sóng” là sự thật về một thứ nguyên liệu vô cùng được ưa chuộng trước khi trước khi than đá và dầu mỏ xuất hiện.
Câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1820, tàu đánh cá Essex đến từ New England bị tấn công bởi một con quái thú không ai có thể tin được: Một con cá voi có kích thức khổng lồ, với ý chí và lòng thù hận như một con người thực thụ. Chiếc thuyền bị đánh chìm và phải trải qua 90 ngày trôi dạt lênh đênh trên biển trước khi tìm được bờ.
Sự kiện này đã truyền cảm hứng cho nhà văn Herman Melville viết nên thiên anh hùng ca bất hủ của lịch sử văn học Mỹ – Moby Dick. Ngay từ khi được xuất bản vào năm 1851, cuốn tiểu thuyết “Moby Dick” đã khơi dậy trí tưởng tượng của độc giả với những bối cảnh mang tính tiên tri, siêu tưởng và nguy hiểm của nó: Đến nỗi, nó đã làm lu mờ câu chuyện thật sự đằng sau cuốn tiểu thuyết.
Sau đó, tác giả Nathaniel Philbrick viết nên tiểu thuyết lãng mạn In the Heart of the Sea. Nhiều năm sau, đạo diễn Ron Howard quyết định chuyển thể câu chuyện này thành phim trong hình hài sống động nhất của ngôn ngữ điện ảnh: Bộ phim “Biển sâu dậy sóng” (In the Heart of the Sea).
Cốt truyện lồng trong truyện không mới nhưng vẫn là vỏ bọc đầy lôi cuốn cho bộ phim. Herman Melville (do diễn viên Ben Whishaw vào vai) là một nhà văn trẻ, đi tìm sự thật về cuộc săn cá voi lịch sử năm 1820 để viết nên tác phẩm bất hủ của cuộc đời mình. Theo dòng hồi tưởng của nhân chứng, những cột buồm căng gió, bến cảng nườm nượp đoàn tàu đánh cá và đại dương sâu thẳm hiện ra. Cuộc đi săn cá voi định mệnh của hai chàng thuyền trưởng và thuyền phó dũng cảm – Owen Chase (Chris Hemsworth) và George Pollard (Benjamin Walker) – bắt đầu.
Câu chuyện xảy ra như sau
Năm 1819, con tàu săn cá voi Essex khởi hành từ Nantucket. Sau một năm trên biển, khi đến một khu vực cách bờ biển Nam Mỹ 3.700 km về phía Tây, thủy thủ trên tàu đã nhìn thấy một tốp cá voi. Những tay săn cá voi đã lên những con thuyền nhỏ để thu hoạch món lợi ngay trước mắt.
Nhưng một con thuyền trong số đó, thuộc về thuyền phó Owen Chase, đã bị cái đuôi của một con cá voi đập vỡ thành từng mảnh. Khi thủy thủ đoàn dong buồm trở về Essex, thì ngay sau đó, theo lời kể của ông Chase, họ đã nhìn thấy “một con cá nhà táng dài khoảng 25 m lao thẳng vào họ như thể đang bừng cháy ý định trả thù”.
Con cá voi đã đâm vào tàu Essex. Khi nó đụng vào con tàu lần thứ hai, con tàu đã bị đắm. Hai mươi thành viên còn lại, cách đất liền hàng nghìn dặm, đã vớt lại những gì có thể từ con tàu và khởi hành trên ba con thuyền nhỏ.
Kể từ đây, một câu chuyện sinh tồn trên biển khơi đầy hấp dẫn bắt đầu. Những người đàn ông đã dành tổng cộng 3 tháng trên biển cả. Đương đầu với cơn bão, với đói khát, nỗi sợ và sự tuyệt vọng, những người trên tàu sẽ phải tự đặt câu hỏi về chính bản thân họ, về những niềm tin, giá trị cuộc sống và đạo đức nghề của họ. Họ thậm chí đã phải ăn thịt đồng loại của mình để sống sót.
Thuyền trưởng Pollard và Charles Ramsdell đã bị phát hiện khi đang gặm xương của những người thủy thủ đoàn trên một con thuyền. Owen Chase, Lawrence, và Nickerson vẫn còn sống sót để kể lại câu chuyện đầy kinh hãi này. Tổng cộng, bảy thủy thủ đã bị ăn thịt.
Cá voi Moby Doll
Trong vài năm trở lại đây, loài cá voi, và đặc biệt chú cá voi trắng Moby Dick trong truyền thuyết, đã là một đề tài xuất hiện lặp đi lặp lại trong các tác phẩm nghệ thuật.
Mối quan hệ giữa con người và các loài động vật biển có vú vẫn luôn là thứ gì đó nghịch lý. Chúng ta bị cuốn hút bởi tính bí ẩn và trí thông minh, cũng kinh hoàng trước kích cỡ và vẻ duyên dáng của chúng, nhưng chúng ta lại săn bắn rất nhiều cá voi đến bờ vực tuyệt chủng. Cho tới tận ngày nay, chúng ta vẫn sử dụng cá heo và cá hổ kình phục vụ cho các mục đích quân sự và giải trí.
Lý do hợp lý nhất khiến con cá voi lịch sử tấn công tàu Essex không phải là báo thù, mà là để tự vệ. Có lẽ nó đang bảo vệ lũ cá voi con vốn đang không ngừng bị sát hại để lùa những con cá voi mẹ có hàm lượng dầu cao vào chỗ chết.
Tư liệu gốc về cá voi của Owen Chase miêu tả nó là một con đực, và đây đã trở thành thông lệ cho hầu hết các tư liệu khác đề cập đến sự kiện này. Tất nhiên, có ít nhất 50% khả năng cá voi tấn công tàu là một con cái.
Cá nhà táng là loài cá theo chế độ mẫu hệ, chúng hình thành nên các cộng đồng xã hội gắn kết với nhau, trông chừng và cho lũ cá con của những con cá khác ăn sữa, chúng cũng có hoạt động tập thể để bảo vệ lũ cá con.
Khi bị đe dọa, một vài con cá voi cái sẽ hình thành “thế trận cây cúc tây” xung quanh một cá thể cá con cần sự bảo vệ để để đánh đuổi kẻ săn mồi. Trong khi đó, cá voi đực thường sinh sống độc lập và sẽ rời lũ cá con khi chúng trưởng thành, chúng chỉ trở lại để sinh sản.
Sự thật đằng sau bộ phim “Biển sâu dậy sóng”: Ngành công nghiệp dầu cá voi
Chú cá voi trong cả bộ phim “Biển sâu lặng sóng” và cuốn tiểu thuyết “Moby Dick” đều là một con quái vật có sức lôi cuốn; dường như nó đã gợi tưởng đến rất nhiều chủ đề đương đại như: Chủ nghĩa tư bản, tôn giáo, chủ nghĩa thực dân, giá trị đạo đức, sinh thái học, nạn phân biệt chủng tộc.
Cá voi giống như chú chim hoàng yến trong hầm mỏ, là một thước đo sinh thái. Trong công cuộc theo đuổi và chi phối tự nhiên, chúng ta đang bộc lộ ra những khiếm khuyết và yếu điểm của chính mình.
Trong công cuộc khai thác dầu cá voi, những người đi biển bất hạnh này đã phạm phải điều cấm kỵ là ăn thịt đồng loại (đáng mỉa mai thay, khi lênh đênh trên biển họ từng biểu quyết không hướng về phía tây đến quần đảo Marquesas gần nhất, do tin đồn về những thổ dân ăn thịt người sinh sống ở đó). Và trong khi những người dân Quaker tốt bụng ở Nantucket đang đấu tranh loại bỏ nạn nô lệ, thì họ lại đang tiếp tục theo đuổi “mục tiêu cao cả” của việc thuần hóa những kẻ man rợ mà họ đụng phải trên chuyến hành trình săn tìm cá voi.
Những con cá voi mà nhóm người từ Nantucket đang tàn nhẫn săn tìm này là một trong những món hàng hóa mang tính toàn cầu.
Dầu cá voi trong quá khứ có rất nhiều tác dụng: Làm chất đốt, bôi trơn, chế xà phòng, tạo sáp nến và cũng được sử dụng trong việc dệt vải, bện dây thừng. Tuy nhiên, công dụng chủ yếu của dầu cá voi lúc bấy giờ là làm dầu đốt đèn. Dầu cá voi có thể được sử dụng trong đèn dầu, cung cấp ngọn lửa không khói. Chất lượng của dầu cá voi cao hơn rất nhiều so với sáp ong hay mỡ động vật (Là những nguồn chất đốt lúc bấy giờ) và đây cũng chính là lý do đẩy nhu cầu săn bắt cá voi để lấy dầu tăng cao.
Ngày nay, săn tìm loài động vật này để khai thác nhiên liệu có vẻ đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, đây là phiên bản lịch sử của dầu thô hay khí đốt, là nguyên liệu căn bản của nền kinh tế thế giới trước kia.
Ngành công nghiệp dầu cá nhà táng từng phát triển cực thịnh tại Mỹ và bắt đầu phổ biến rộng rãi vào những năm 1760 – 1770. Vào những năm 1770 – 1775, từ Massachussets, New York, Connecticut và Đảo Rhode, người Mỹ đã sản xuất được đến 45.000 thùng dầu cá voi mỗi năm. Và Mỹ cũng không phải nước duy nhất trên thế giới có ngành công nghiệp này phát triển, hàng loạt nước ở châu Âu cũng tham gia vào ngành công nghiệp béo bở này.
Cuộc săn tìm loài cá voi có trí thông minh – sinh vật đã tung hoành khắp đại dương trong 60 triệu năm qua nhưng đã bị chúng ta tàn sát đến gần như tuyệt chủng. Khoảng hơn 236.000 con cá voi đã bị giết hại chỉ để phục vụ lấy dầu chỉ trong nửa đầu thế kỷ 19.
Bạn có tự hỏi, rằng hiện nay giá dầu cá voi hiện nay là bao nhiêu không? Có lẽ bạn sẽ noi cá voi vô cùng hiếm nên giá dầu cá voi ngày nay sẽ rất đắt, nhưng giá trị sử dụng của dầu cá voi ngày nay gần như bằng 0, ngày nay, trừ việc thắp đèn khi bị mất điện, có lẽ sẽ chẳng có cơ hội nào để dầu cá nhà táng quay lại thị trường.
Đến phần cuối bộ phim chàng thủy thủ Thomas Nickerson đã thốt lên, “Tôi nghe nói người ta đã tìm được dầu bằng cách khoan xuống lòng đất. Ai có thể biết được chứ!”. Dầu mỏ đã xuất hiện để cứu loài cá voi thoát khỏi sự tuyệt chủng. Tuy nhiên…phải chăng lịch sử đang lặp lại?
Ngày nay, những ngành công nghiệp khai thác nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ cũng đang bước trên cùng đường với ngành công nghiệp dầu cá nhà táng trước đây. Có lẽ chúng ta đang sống trong mốc thời điểm của một cuộc thoái trào mới.
Dầu lửa đã trở thành thứ nguyên liệu rẻ hơn, dễ kiếm hơn để thay thế dầu cá voi. Một đặc điểm nữa của dầu lửa chính là nó có thể được bảo quản trong thời gian dài hơn và không có mùi khó chịu khi đốt như dầu cá voi. Tuy nhiên, nó lại khiến môi trường trở nên ô nhiễm hơn bao giờ hết. Ngày nay, chúng ta không chỉ phải đối diện với việc khan hiếm năng lượng mà còn phải phòng vệ trước biến đổi khí hậu. Do đó, những nguồn năng lượng hóa thạch không còn là sự lựa chọn đúng đắn nữa.
Liệu thế kỷ 21 có được đánh dấu là mốc thoái trào cuối cùng của nguồn nhiên liệu hóa thạch? Hy vọng rằng, trong một tương lai gần, chúng ta sẽ có được một nguồn năng lượng đủ bền vững để thay thế cho những nguồn nhiên liệu hóa thạch mà có thể đảm bảo cho sự trong lành của môi trường.
Nguồn dầu cá voi từ thế kỷ 19 đã bôi trơn cho những chuyến hành trình của chúng ta xuyên qua một vùng không gian tưởng tượng, từ những nơi chưa được thăm dò trải khắp đất liền và biển cả, từ thềm đại dương cho đến ngoài không gian.
Vậy nên, khi bạn xem bộ phim “Biển sâu dậy sóng”, hãy suy ngẫm xem xem nó phản ánh chính hành vi của con người chúng ta như thế nào trong quá trinh chi phối tự nhiên và các nguồn tài nguyên nhé!
Theo daikynguyenvn.com, genk