Tờ The Guardian mới đây đã tiết lộ rằng sĩ quan biên phòng Trung Quốc tại biên giới phía tây đang bí mật cài đặt ứng dụng giám sát vào điện thoại của khách du lịch và tải về thông tin cá nhân của họ. Đây được cho là một phần của nỗ lực giám sát sâu rộng khu vực Tân Cương của chính quyền trung ương Trung Quốc.
Một cuộc điều tra do The Guardian cùng với các đối tác quốc tế của tờ báo này gồm Süddeutsche Zeitung (Đức) và New York Times (Mỹ) phối hợp thực hiện đã phát hiện rằng khách du lịch đang trở thành mục tiêu giám sát khi họ vào vùng Tân Cương qua biên giới giáp với Kyrgyzstan.
Biên phòng Trung Quốc sẽ lấy điện thoại của khách du lịch và bí mật cài một ứng dụng có thể trích xuất thư điện tử, tin nhắn và danh bạ liên lạc, cũng như thông tin về chính chiếc điện thoại đó.
Khách du lịch nói rằng họ đã không được các nhà chức trách cảnh báo trước hoặc nói cho họ về việc phần mềm đó đang tìm kiếm điều gì hoặc thông tin nào bị lấy đi.
Cuộc điều tra nêu trên phát hiện rằng khách du lịch đi vào Trung Quốc qua biên giới Irkeshtam xa xôi thường bị biên phòng thu điện thoại để kiểm tra.
The Guardian dẫn phân tích của các chuyên gia về an ninh mạng cho biết ứng dụng mà biên phòng cài vào điện thoại du khách do một công ty Trung Quốc thiết kế. Ứng dụng này quét các điện thoại Android dựa trên một danh sách nội dung khổng lồ mà các nhà chức trách Trung Quốc xem là có vấn đề.
Những nội dung bị giới chức Trung Quốc xem là có vấn đề bao gồm nhiều tài liệu liên quan tới Hồi giáo cực đoan như tạp chí tiếng Anh ‘Inspire’ do Al-Qaeda phát hành tại Bán đảo Ả Rập, và nhiều cẩm nang hướng dẫn sử dụng vũ khí.
Ngoài ra, phần mềm giám sát nêu trên cũng tìm kiếm thông in về nhiều loại tài liệu khác từ ăn chay trong tháng Ramadan Hồi giáo tới văn học của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và nhạc của nhóm nhạc rock Unholy Grave, Nhật Bản.
Một tài liệu khác cũng bị giới chức Trung Quốc xếp vào danh sách đen là cuốn cẩm nang tự vệ của nhà văn Mỹ Robert Greene với tựa ‘The 33 Strategies of War’ (33 chiến lược chiến đấu).
The Guardian cho biết khách du lịch phải qua nhiều giai đoạn mới vào được lãnh thổ Trung Quốc và một trong những giai đoạn như vậy, khách du lịch được yêu cầu mở khóa điện thoại và nộp chúng cùng các thiết bị điện tử khác như máy ảnh cho các sĩ quan biên phòng. Các thiết bị này sau đó được đưa tới một phòng riêng và sau khoảng một thời gian nhất định mới được đưa trả lại cho du khách.
Giới chức biên phòng Trung Quốc sẽ cắm những chiếc điện thoại iPhone của du khách vào một trình đọc để quét chúng, trong khi điện thoại Android sẽ bị cài phần mềm giúp làm công việc tương tự.
Thông thường trong hầu hết trường hợp ứng dụng sẽ được gỡ cài đặt trước khi giới chức trả lại điện thoại cho du khách, tuy nhiên, một số khách du lịch vẫn phát hiện ứng dụng mới trên điện thoại của họ.
Cuộc điều tra của The Guarian và các đối tác chưa xác định được tất cả các thông tin mà sĩ quan biên phòng trích xuất từ điện thoại du khách sẽ được gửi đi đâu và chúng sẽ được lưu trữ trong thời gian bao lâu.
Mặc dù không có bằng chứng rằng dữ liệu trích xuất ra sau đó sẽ được dùng để theo dõi hành trình của du khách tại Trung Quốc, nhưng thông tin mà ứng dụng thu thập được hoàn toàn cho phép các nhà chức trách Trung Quốc định vị một du khách nào đó nếu sử dụng kết hợp với các chi tiết về vị trí chiếc điện thoại của người này.
Ứng dụng mà sĩ quan biên phòng Trung Quốc cài lên điện thoại Android của du khách có biểu tượng mặc định của hệ điều hành Android và có tên tiếng Trung 蜂采 (Fēng cǎi). Thuật ngữ này không có trong từ điển tiếng Anh, nhưng có nghĩa liên quan tới ong đi lấy mật.
The Guardian đã phỏng vấn một khách du lịch vào Tân Cương qua biên giới Irkeshtam năm nay có mang theo điện thoại Android. Người này đã băn khoăn khi thấy ứng dụng mới được cài đặt vào điện thoại của mình sau khi nhận lại nó từ biên phòng Trung Quốc.
Du khách này nói rằng ông đã được yêu cầu nộp điện thoại tại một trạm kiểm soát và sau đó điện thoại của ông được đưa tới một phòng riêng. Du khách này và tất cả các du khách khác tại trạm kiểm soát đó cũng được yêu cầu cung cấp mã pin điện thoại cho các sĩ quan an ninh và phải đợi khoảng một giờ để nhận lại điện thoại của mình. Giới chức đã không nói gì về việc họ đã làm gì với những chiếc điện thoại của du khách.
Khi nhận lại điện thoại, du khách nêu trên đã kiểm tra và phát hiện thấy có ứng dụng mới vừa được cài đặt.
Vị khách du lịch này đã nói rằng ông không còn bị yêu cầu nộp điện thoại tại bất kỳ điểm kiểm soát nào khác trong suốt chuyến thăm Trung Quốc của mình và cũng không bị kiểm tra điện thoại khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi nước này. Ông nói với The Guardian rằng ông không lo lắng về việc mang điện thoại bên mình vì tại khu vực này đã có rất nhiều giám sát công cộng rồi. Khách du lịch này nói: “Tôi không thích điều này. Nếu họ đang làm điều này tại đất nước của tôi, tôi sẽ hoảng hồn, nhưng khi bạn du lịch Trung Quốc, bạn nên biết nó có thể như thế này.”
The Guardian và các đối tác xác nhận rằng tất cả các điện thoại bị biên phòng Trung Quốc cài đặt ứng dụng giám sát là điện thoại Android, nhưng khách du lịch thông tin rằng các sĩ quan an ninh Trung Quốc cũng thu điện thoại iPhone.
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại tổ chức Quan sát Nhân Quyền, Maya Wang nói với The Guardian rằng: “Chúng ta đã biết công dân Tân Cương, đặc biệt là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đã bị giám sát đa chiều, suốt ngày đêm trong khu vực này. [Bây giờ] những gì các bạn phát hiện vượt xa điều đó. Nó cho thấy rằng ngay cả người nước ngoài cũng phải chịu giám sát phổ biến và bất hợp pháp như vậy.”
The Guardian đã liên lạc với giới chức Trung Quốc để yêu cầu bình luận về thông tin nêu trên, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã từng lên tiếng bảo vệ hoạt động dùng công nghệ cao giám sát công dân tại Tân Cương khi tuyên bố rằng việc này nhằm cải thiện an ninh trong khu vực.
Theo trithucvn