Trước việc hàng chục con tàu Trung Quốc vào Bãi Tư Chính cản trở hoạt động của giàn khoan Hakuryu do Việt Nam hợp tác với Nga ở Lô 06-1, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có thể sẽ khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Ngày 10/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 7/10 – 13/10/2019) để bàn về vấn đề Biển Đông và việc Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Tàu Trung Quốc liên tục ‘quấy đảo’ Bãi Tư Chính
Tại hội nghị, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas của Singapore) cho biết, có gần 30 tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục vào vùng biển thuộc Bãi Tư Chính quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam từ đầu tháng 6 cho đến tận thời điểm hiện tại.
“Các tàu hải cảnh có hơn 30 chiếc, nó quấy giàn khoan Hakuryu số 5 của Nhật Bản ở chỗ Lô 06-1, quấy trực tiếp vào giàn khoan và nó ngăn cản hai tàu dịch vụ dầu khí của PTSC (Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam). Chuyện này nó làm liên tục từ 06/6/2019 cho đến bây giờ”, Tiến sĩ Hợp cho hay.
Không những vậy, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cũng liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của Việt Nam. Theo dữ liệu theo dõi tàu biển của trang Marine Traffic, sáng sớm ngày 1/9, tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến vào bờ biển Việt Nam và chỉ cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155 km.
“Tàu Hải Dương Địa chất 8 sau một thời gian mấy hôm chạy dọc Bắc – Nam, thì bây giờ bắt đầu chạy Đông – Tây. Thế rồi tàu này ‘đan lưới’ ở chỗ mà mấy hôm trước, nó chạy Bắc – Nam. Việc gần nhất với Việt Nam, như chúng ta đều biết, nó vào khoảng hơn 100km, 150km…”, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp thông tin.
Khẳng định chủ quyền phi lý trên Biển Đông
Ở một diễn biến khác, theo nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc thì nước này đã đưa giàn khoan Hải Dương Thạch du 982 (Haiyang Shiyou 982) vào hoạt động trên Biển Đông nhưng không chỉ rõ địa điểm đặt giàn khoan này.
Ngoài ra, vào ngày 18/9, bất chấp luật Biển quốc tế, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố rằng, nước này có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với Bãi Tư Chính. “Trung Quốc có quyền chủ quyền với quần đảo Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng biển Bãi Tư Chính thuộc quần đảo”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói vào ngày 18/9.
Theo các chuyên gia, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, nó gần như phá bỏ mọi nền tảng pháp lý quốc tế trên Biển Đông.
Đề xuất khởi kiện Trung Quốc
Cũng tại hội nghị, chia sẻ về đối sách của Việt Nam trước tình hình căng thẳng Biển Đông đang ngày càng leo thang, ông Hợp cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn theo phương án cũ là khẳng định chủ quyền không thể chối cãi trên Biển của mình theo luật biển Quốc tế.
Đồng thời, tăng cường lực lượng hải cảnh Việt Nam ra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện đang bị tàu Trung Quốc quấy phá. Và yêu cầu các tàu Trung Quốc vi phạm luật biển Quốc tế rời khỏi vùng biển của Việt Nam.
“Cho đến nay đối sách của Việt Nam vẫn là điều tàu ra để xua họ đi thôi, nhưng mà không xua được. Họ chặn, họ không cho vào sát tàu Hải Dương 08.
Với việc quấy phá xung quanh giàn khoan của Nhật Bản, phía Việt Nam chặn được, không để cho tàu Hải cảnh của Trung Quốc đến gần và họ cũng phá được sự khiêu khích từ các tàu hải cảnh và tàu dân binh của Trung Quốc.
Còn về mặt bên ngoài thực địa, như chúng ta biết, căng thẳng căng nhất và mạnh mẽ là mấy lần nói thẳng tên Trung Quốc ra và yêu cầu Trung Quốc phải rút”, ông Hợp cho hay.
Ngoài ra, nếu tình hình này cứ tiếp diễn thì có khả năng Việt Nam sẽ khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. “Sắp tới định làm gì, thì chúng ta chưa biết, nhưng cũng có khả năng là sẽ khởi kiện Trung Quốc”, ông Hà Hoàng Hợp khẳng định.
Vũ Tuấn (t/h)