Hôm qua 12/7, Tờ Hoa Nam Tảo Báo (SCMP) đưa tin, trong một tuần qua, các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau xung quanh một bãi san hô trên biển Đông mà Việt Nam đang kiểm soát. Sự việc làm dấy lên nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước đang có tranh chấp vùng biển.
Từ tuần trước, 6 tàu hải giám được trang bị nhiều vũ khí, gồm có 2 tàu Trung Quốc và 4 tàu Việt Nam, đã gườm nhau khi tuần tra vòng quanh Bãi Tư chính (tên quốc tế là Vanguard Bank) thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ – đã có một đoạn tweet nói rằng, vào Thứ Tư tuần trước (3/7) tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần Bãi Tư chính do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Đi theo hộ tống tàu Haiyang Dizhi 8 có tàu hải giám vũ trang 12.000 tấn số hiệu 3901, tàu hải giám 2.200 tấn 37111 và một máy bay trực thăng.
Khi đội tàu này tiến gần tới Bãi Tư chính, họ đã bị 4 tàu cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên bám đuổi… Hai bên đã có những đối đầu căng thẳng, rượt đuổi và phun nước vào nhau. Trong khi đó, chiều 11/7, ở cách không xa khu vực căng thẳng, Lữ đoàn hải quân 162 của Việt Nam đã tiến hành tập trận.
Video: Cảnh sát biển Việt Nam đối đầu với Trung Quốc (nguồn: VOA)
Vụ đối đầu này có thể khiến bùng phát đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây, thậm chí có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, SCMP nhận định.
Vụ đối đầu diễn ra bất chấp cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 5, là sẽ giải quyết các tranh chấp hàng hải qua thương thuyết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chưa xác nhận thông tin về vụ đối đầu này, nhưng khẳng định Trung Quốc quyết tâm bảo về các lợi ích của mình trên biển Đông.
Ông Cảnh nói: “Chúng tôi cũng cam kết xử lý khác biệt thông qua đàm phán với những nước có liên quan”.
Bãi Tư chính được biết là nơi có trữ lượng dầu mỏ phong phú. Việt Nam đã tuyên bố nơi này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình và cũng đã xây dựng nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát tại đây.
Theo báo chí quốc tế, do áp lực từ phía Trung Quốc, vào tháng 3/2018, Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha buộc phải rút khỏi dự án thăm dò dầu khí cho Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Còn tại Trường Sa, trong vài năm qua, Bắc Kinh đã xây dựng và khai hoang 7 hòn đảo trên các rạn san hô dưới sự kiểm soát của mình và triển khai quân đội và vũ khí để tăng cường yêu sách đối với tài nguyên thiên nhiên và các tuyến giao thương trong khu vực.
Xuân Nhạn (t/h)