Trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, các quốc gia châu Á buộc phải đoàn kết để chống lại “kẻ thù” chung.
Hồi đầu tuần này, giới chức Malaysia thông báo họ sẽ gửi công hàm phản đối việc một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Malaysia ở phía bắc đảo Borneo.Những lo ngại của Malaysia về Trung Quốc, được tờ Wall Street Journal đăng tải đầu tiên hôm 8/6, liên quan tới một tàu tuần tuyên của Trung Quốc gần đây đã thả neo tại bãi bạn Luconia.
Journal dẫn lời Bộ trưởng an ninh quốc gia Malaysia Shahidan Kassim rằng, Trung Quốc không có chủ quyền chồng lấn tại khu vực và Thủ tướng Najib Razak sẽ trực tiếp nêu ra vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đây được xem là phản ứng cứng rắn của Malaysia vì nước này lâu này vẫn khá im ắng trước những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo trong khu vực giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.
Ngày 8/6 tại Đức, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra một tuyên bố về các căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông, kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế.
Mặc dù G7 không nhắc tới tên Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi G7 “tôn trọng các sự thật, bỏ định kiến và ngừng đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”.
Ngày 9/6, Nhật Bản và Philippines đã công bố các kế hoạch cho một cuộc tập trận tìm kiếm và cứu hộ chung liên quan tới các máy bay quân sự vào cuối Tháng 6.
Trong một diễn biến khác, hồi tuần trước, báo chí Mỹ đưa tin rằng Việt Nam đang đàm phán với các nhà thầu quân sự Úc và châu Âu về khả năng mua các máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra hàng hải và máy bay do thám không người lái.
Những hành động của Trung Quốc đang ngày càng khiến các láng giềng phải tìm kiếm các thỏa thuận an ninh mới với nước khác, điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu muốn tránh.
“Đối với Trung Quốc, về lâu dài, chiến thắng có thể phải trả bằng một giá đắt”, Denny Roy, một nhà phân tích an ninh tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, nói với hãng tin Stars and Stripes. Những hi vọng của Bắc Kinh về việc đòi hỏi sự nhượng bộ từ các quốc gia châu Á khác có thể phản tác dụng khi “điều đó giúp tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước, và Trung Quốc bị xem là kẻ thù dù không nói ra”.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một yêu sách bị nhiều nhà phân tích bác bỏ là lố bịch. Bắc Kinh đã mạnh mẽ đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động “cải tạo đất”, xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang sử dụng hàng chục máy nạo vét đẩy xây các đảo nhân tạo lớn và các đường băng tại các bãi đá mà trước kia còn ngập nước.
Trung Quốc thường sử dụng cụm từ “cải tạo đất” để nhắc tới các hành động của mình ở Biển Đông. Nhưng chuyên gia an ninh Australia Carl Thayer gần đây đã chỉ trích truyền thông vì sử dụng cụm từ này.
“Không, Trung Quốc không cải tạo đất. Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ kiên cố trên các đảo nhân tạo cho các tàu cá, các tàu thăm dò dầu mỏ và khí đốt và các tàu chấp pháp. Khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có radar tầm xa, việc các tàu chiến hải quân và máy bay quân sự xuất hiện chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Thayer cảnh báo.
Theo Dân Trí