Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã lên tiếng phản đối sau khi Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc Australia kêu gọi tiến hành cuộc xem xét toàn cầu về đại dịch Vũ Hán có thể dẫn tới tình trạng bị sinh viên và du khách Trung Quốc tẩy chay, theo Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Australian Financial Review, được đăng tải hôm 26/4, Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) nói rằng việc chính phủ Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi điều tra quốc tế về dịch bệnh Vũ Hán là nguy hiểm và có động cơ chính trị khi cáo buộc Canberra nghe theo lời của một số thế lực ở Washington. Ông Thành Cạnh Nghiệp đưa ra dự đoán Australia sẽ không nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trên thế giới.
“Cộng đồng Trung Quốc đang cảm thấy bối rối, không hài lòng và thất vọng với những gì mà Australia đang làm. Các hành động gây nghi ngờ, hoặc chia rẽ tại một thời điểm quan trọng như lúc này có thể làm suy yếu nỗ lực toàn cầu trong việc chống lại đại dịch [Vũ Hán]”, ông Cheng cho biết trong bài phỏng vấn ngày 26/4.
Đại sứ Trung Quốc còn nói rằng việc chính phủ Australia đeo đuổi cuộc điều tra toàn cầu về đại dịch Vũ Hán có thể gây ra cuộc tẩy chay của sinh viên và du khách Trung Quốc đối với Australia cũng như nguy cơ suy giảm xuất khẩu các mặt hàng nông sản phổ biến của nước này như rượu vang và thịt bò đến Trung Quốc.
Đáp lại, Ngoại trưởng Payne khẳng định chính phủ Australia kiên quyết bác bỏ bất kỳ ám chỉ nào cho rằng bức bách kinh tế là cách ứng phó phù hợp đối với lời kêu gọi về cuộc điều tra. Bà Payne nói: “Chúng tôi phản đối mọi đề nghị rằng việc cưỡng ép về kinh tế là câu trả lời cho lời kêu gọi mở một cuộc điều tra [dịch bệnh Vũ Hán] như vậy vì điều chúng ta cần là sự hợp tác toàn cầu”, theo tờ The Sydney Morning Herald ngày 27/4.
Ngoại trưởng Payne chỉ trích nhà ngoại giao Trung Quốc vì đã dùng vấn đề bức bách kinh tế để gây cản trở cuộc điều tra về dịch bệnh Vũ Hán. Bà Payne khẳng định:
“Australia đã phát đi lời kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về dịch bệnh Covid-19, một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa hề có tiền lệ với tác động nghiêm trọng tới xã hội, kinh tế và y tế. Cuộc điều tra có thể được thực hiện vào một thời điểm thích hợp vì nhiều quốc gia vẫn đang phải đương đầu với những thách thức của dịch bệnh”.
“Một cuộc điều tra minh bạch và trung thực về các sự kiện là rất quan trọng để chúng ta học hỏi những bài học xương máu nhằm nâng cao năng lực phản ứng [với dịch bệnh] trong tương lai. Chúng tôi hy vọng toàn bộ thành viên của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ hợp tác trong cuộc điều tra này,” Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh.
Lãnh đạo phe đối lập Thượng viện Australia Penny Wong cho hay, việc kêu gọi điều tra không phải là vấn đề về mặt địa chính trị mà nhằm giúp nhân loại có thể rút ra bài học để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Đại dịch Vũ Hán đã xuất hiện ở 210 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi bùng phát lần đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins sáng 28/4, toàn thế giới đã ghi nhận 3.035.177 ca nhiễm và 210.551 ca tử vong do virus Vũ Hán, tăng lần lượt 69.814 và 4.286 ca so với hôm qua. Ngoài ra, 56.281 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng và nguy kịch.
Thiện Thành (t/h)