Tinh Hoa

Bị tiêm nhầm kali, bé gái 8 tháng tuổi có dấu hiệu chết não

Bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) chỉ định cho bệnh nhi uống kali, điều dưỡng lại tiêm kali vào tĩnh mạch khiến bé gái 8 tháng tuổi gặp nguy hiểm tính mạng, có dấu hiệu chết não.

Bệnh nhi được cấp cứu tại Bệnh viện Saint Paul. Ảnh: L.P.

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết sẽ hội chẩn thêm hai lần nữa để đưa ra kết luận cuối cùng. Theo bác sĩ, bé có bệnh nền nặng sẵn là nhiễm khuẩn huyết, tim bẩm sinh.

Chị Trịnh Thanh Hải, mẹ bé cho biết, bé nhà chị vốn khỏe mạnh, chưa lần nào phải đi khám bác sĩ. Trong suốt thời kỳ mang thai, chị cũng khám, siêu âm, sàng lọc bệnh đầy đủ và không phát hiện gì bất thường.

Chị đã mời luật sư để làm việc với cơ quan chức năng. “Trách nhiệm trong vụ việc tiêm kali con tôi thay vì uống là cả ê kíp y bác sĩ chứ không chỉ riêng điều dưỡng. Gia đình cần một lời giải thích rõ ràng”, chị Hải nói.

Tối 15/1, bệnh nhi được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng sốt cao liên tục, nôn, tiêu chảy, phân lỏng có nhầy; chẩn đoán tiêu chảy cấp có mất nước, viêm họng cấp, theo dõi tim bẩm sinh. Đến đêm, trẻ mệt, vẫn có dấu hiệu mất nước, bụng chướng, được bác sĩ chỉ định cho uống một ống kaliclorid 10%/5ml, liều mỗi lần uống nửa ống. Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau khi điều dưỡng thực hiện y lệnh, bố bệnh nhân gọi bác sĩ bởi bé co cứng người, môi tím, thở nhanh, tim nhanh…

Kiểm tra lại, bác sĩ phát hiện điều dưỡng đã dùng thuốc kaliclorid 10% (2,5 ml) tiêm tĩnh mạch cho bé. Ngay lập tức bệnh nhi được cấp cứu, hồi sức tích cực, xử trí thải kali, sau đó chuyển đến Bệnh viện Saint Paul. Ngày 21/1 bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Đông Anh kết luận điều dưỡng đã thực hiện sai quy trình chuyên môn trong sử dụng thuốc, bệnh nhi được chỉ định dùng kali đường uống nhưng điều dưỡng lại tiêm tĩnh mạch. Điều dưỡng này đã bị đình chỉ công tác 30 ngày.

Kali có hai dạng: Viên nang cho đường uống và thuốc để tiêm tĩnh mạch. Loại tiêm cũng có thể uống được nếu có chỉ định, khi tiêm phải được pha loãng bằng nước cất và tiêm vào tĩnh mạch thật chậm để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Theo VNE