Mỹ đã phát động một cuộc phản công chống lại hành vi ăn cắp công nghệ cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà đối tượng nhắm đến chính là những học giả người Mỹ bị ĐCSTQ dụ dỗ gia nhập “Kế hoạch ngàn nhân tài”.
Trong năm vừa qua, nhiều học giả người Mỹ đã bị điều tra, bị đuổi việc, thậm chí bị bỏ tù vì có liên quan đến “Kế hoạch ngàn nhân tài” của ĐCSTQ. Bên cạnh đó, ĐCSTQ cũng đã bắt đầu trở nên nhượng bộ hơn, không chỉ chính thức không đề cập đến vấn đề này nữa mà còn xóa tất cả những dấu vết liên quan đến chủ đề này trên mạng xã hội.
Gần đây, có cư dân mạng phát hiện ra rằng, khi tìm kiếm cụm từ “Kế hoạch ngàn nhân tài” trên trang tìm kiếm Baidu thì không thấy có kết quả nào hết. Ngay từ cuối tháng 4, các công cụ tìm kiếm của Trung Quốc đã bắt đầu lọc các từ khóa có liên quan đến “Ngàn người”.
Nhưng nếu tìm với cụm từ “Kế hoạch tiến cử nhân tài cấp cao ở nước ngoài của Trung Quốc” thì có thể tìm thấy nội dung liên quan. Còn nếu như dùng cụm từ “Nhân tài + Ngàn người” thì cũng có thể tìm thấy một chút tài liệu liên quan.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, cụm từ “Kế hoạch ngàn nhân tài” đã trở thành một thuật ngữ bị cấm tìm kiếm. Trên trang Zhihu, một số bài viết liên quan đến từ “ngàn người” cũng bị xóa và chuyển thành trang “404” (lỗi không tìm thấy).
Ngay từ tháng 9/2018, có thông tin cho rằng, ĐCSTQ đã ra lệnh cho các phương tiện truyền thông chính thức ngừng đưa tin về “Kế hoạch ngàn nhân tài”. Ngoài ra còn có một tài liệu nội bộ trên internet yêu cầu, đối với những nội dung liên quan đến các học giả ở nước ngoài thì “trong văn bản không được xuất hiện từ ‘ngàn người'”.
“Kế hoạch ngàn nhân tài” là tên viết tắt của “Kế hoạch tiến cử nhân tài cấp cao ở nước ngoài” của ĐCSTQ. Chương trình này được triển khai từ tháng 12/2008. Trong 10 năm qua, khoảng 8.000 chuyên gia ở nước ngoài đã được trả với mức lương hậu hĩnh và hầu hết trong số họ là các học giả gốc Hoa sống ở nước ngoài.
Mỹ đã lên án ĐCSTQ lợi dụng “Kế hoạch ngàn nhân tài” để ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Nhiều học giả được thuê đã mang kết quả nghiên cứu của họ ở Mỹ đến các tổ chức nghiên cứu khoa học của ĐCSTQ, và thậm chí còn sao chép các phòng thí nghiệm của Mỹ sang Trung Quốc.
Bắt đầu từ năm 2018, FBI của Mỹ đã đặt trọng tâm vào việc điều tra các học giả tham gia “Kế hoạch ngàn nhân tài”, dựa vào danh sách mà điều tra từng người một. Trong phút chốc, “Kế hoạch ngàn nhân tài” đã trở thành “Kế hoạch vào tù”.
Trong hai năm qua, nhiều nhà khoa học Trung Quốc tại Mỹ đã bị bắt vì tội ăn cắp bí mật hoặc tội phạm gián điệp hay một số tội danh khác. Các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên khắp nước Mỹ cũng từ đó bắt đầu điều tra các học giả của “Kế hoạch ngàn nhân tài”, và kết quả là một lượng lớn các học giả Trung Quốc đã bị sa thải.
Vào tháng 1 năm nay, Charles Lieber, chủ nhiệm Khoa Hóa học tại Đại học Harvard, Mỹ cũng bị cơ quan Tư pháp Mỹ cáo buộc với tội danh bí mật giúp ĐCSTQ đánh cắp công nghệ Mỹ. Charles Lieber đã trở thành một trong những học giả đầu tiên không phải là người Trung Quốc bị điều tra vì “Kế hoạch ngàn nhân tài”.
Vì sao ĐCSTQ không đáng tin?
Minh Huy (Theo NTDTV)