Tinh Hoa

Bí kíp để xe không bị chết máy khi đi vào vùng ngập nước

Khi gặp mưa lớn, không ít người chưa biết cách điều khiển xe qua chỗ ngập nên nhiều xe bị chết máy giữa đường. Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn lái xe an toàn hơn, đồng thời tránh tình trạng chết máy hay thủy kích.

Do ảnh hưởng của mưa bão, Sài Gòn chìm trong biển nước. Các ngả đường vào trung tâm thành phố ngập nước, ùn tắc, xe chết máy la liệt.
Do ảnh hưởng của mưa bão, Sài Gòn chìm trong biển nước. Các ngả đường vào trung tâm thành phố ngập nước, ùn tắc, xe chết máy la liệt. (Ảnh qua baonhandan.vn)

Vào những ngày mưa lớn, Sài Gòn hay các thành phố lớn thường xuất hiện tình trạng nước ngập đường gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các phương tiện. Vậy làm cách nào để bạn có thể lái xe qua những con đường bị ngập nước mà không bị vấn đề gì?

Dưới đây là một số lưu ý cơ bản nhất về việc điều khiển xe đi qua các vùng ngập nước, và xử lí xe khi bị chết máy do ngập nước.

Nguyên nhân xe bị chết máy khi đi vào vùng ngập nước

Khi xe đi vào nơi nước ngập vượt qua cổ ống xả, lúc này, nếu ga ở tốc độ quá thấp hoặc không nhấn ga, khí đẩy ra chậm, thì nước sẽ chui vào ống xả làm tắc đường thoát dẫn đến khả năng chết máy.

Khi nước cao hơn miệng hút gió, nước sẽ tràn vào đường hút gió, cùng với không khí đi vào buồng đốt. Hỗn hợp nhiên liệu, khí và nước sẽ không cháy được dẫn đến chết máy.

Một vài mẹo đi xe máy qua đoạn đường ngập nước

Với xe số: Người điều khiển xe số qua những nơi bị ngập lụt nên về số của xe ở số thấp là số 1 hoặc 2 để đi, chú ý giữ đều ga, giữ chặt tay lái và chạy từ từ qua khu vực bị ngập. Lưu ý, không rồ ga, phanh gấp vì sẽ khiến xe dễ tắt máy hơn.

Với xe ga: Điều khiển xe chậm và đều ga, không lên ga quá cao nhưng cũng không để ga quá thấp.Tuyệt đối không được giảm ga trong suốt quá trình, việc này sẽ gây chết máy ngay lập tức. Nếu gặp nơi nước ngập sâu qua ống pô xe thì không nên điều khiển xe qua những nơi đó.

Nếu xe bị ngập nặng, chết máy, có một cách xử lý tạm thời là dắt xe ra chỗ cao, rồi tháo bugi, lau thật khô. Sau đó, đạp cần khởi động để đẩy nước khỏi xe, khóa xăng rồi xả hết xăng khỏi chế hòa khí.

Với xe máy điện, xe đạp điện: Do thiết kế của loại xe điện này sử dụng pin hoặc ắc quy nên khi đường bị ngập lụt, bạn tuyệt đối không được đi xe qua vùng này, vì khi đó nước rất dễ vào ắc quy hoặc pin, mà một khi ắc quy hay pin ngập nước thì sẽ bị hỏng và chắc chắn bạn sẽ phải thay mới ngay.

Khi chạy xe máy qua đoạn đường ngập sâu, luôn nhớ đi số nhỏ. Với xe số, nên duy trì ở số 2 (vì số 1 quá thốc, số 3 và 4 không đủ lực).
Với các loại xe tay ga, luôn giữ ga ở mức tương đối lớn để tránh nước tràn vào pô xe, cũng như quạt gió.
Tuyệt đối tránh giảm ga trong lúc đi, nếu không, nước tràn vào sẽ gây chết máy ngay lập tức. Chỉ nên dùng phanh để giảm tốc, dù tay ga vẫn gắng giữ nguyên. (Ảnh: Zing.vn)

Lưu ý:

– Có một sai lầm là nhiều người nghĩ dắt xe qua chỗ ngập thì sẽ an toàn hơn. Thực tế không hẳn như thế. Khi dắt xe, hệ thống điện có thể bị “ngâm” trong nước, gây hỏng về sau. Đặc biệt, nếu để nước tràn vào cổ hút gió của xe và hút vào động cơ lúc bật máy thì có thể gây ra hiện tượng thủy kích, phá hỏng động cơ.

– Đặc biệt, một số người cho rằng đi qua chỗ ngập phải phóng thật nhanh là hết sức sai lầm. Cho dù đoạn đường ngập, nước chưa cao bằng miệng hút gió nhưng khi xe đi, cùng với những xe khác tạo nên sóng nước cao nên nước vẫn có thể bắn vào. Cho nên khi đi qua chỗ ngập, vừa phải nhấn ga đủ lớn nhưng cũng không nên quá nhanh.

– Trong trường hợp lỡ bị nước vào ống xả, không nên quá hoảng bởi thực chất nước vào ống xả làm tắc, gây chết máy nhưng không vào máy được. Cho nên, nếu người điều khiển xe bình tĩnh, lội xuống, có đủ người giúp đẩy xe qua chỗ ngập, rồi nổ máy thì động cơ vẫn có thể vẫn vận hành đi tiếp được như thường.

– Ngay sau khi lội nước, mọi người nên tiến hành bảo dưỡng xe để tránh những hư hỏng nặng về sau. Việc thay, sục dầu máy là điều quan trọng đầu tiên cần nghĩ tới.

Theo BaoNhanDan.vn