Tinh Hoa

Ai Cập – Phát hiện cổ vật bí ẩn nặng hàng trăm tấn trong mê cung

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1850, mê cung Serapeum Saqqara của người Ai Cập cổ đại nằm ở phía tây bắc Kim tự tháp nổi tiếng Djoser đã trở thành một địa điểm tâm linh đầy bí ẩn.

Chiếc hộp đá bí ẩn nặng gần 100 tấn trong mê cung. (Ảnh: Internet)

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một mê cung của người Ai Cập cổ chứa 24 chiếc hộp được làm bằng đá cự thạch khổng lồ có trọng lượng từ 70 đến 100 tấn. Mục đích chính xác cũng như công nghệ được áp dụng để tạo ra những chiếc hộp khổng lồ này vẫn còn là vấn đề nan giải đối với giới khoa học.

Các học giả chủ đạo tin rằng các hộp đá khổng lồ là nơi chôn cất những con bò mộng Apis, hiện thân cho thần Ptah của người Ai Cập cổ đại.

Khu “nghĩa địa” này nằm gần Memphis, Ai Cập được cho là đã được xây dựng vào khoảng năm 1300 trước Công nguyên bởi vua Ramesses II.

Một số nhà nghiên cứu đã dũng cảm khẳng định rằng Serapeum Saqqara là bằng chứng cho những công nghệ xây dựng tiên tiến bị thất truyền từ hàng ngàn năm về trước. Thực tế đây là những chiếc “quan tài” độc đáo nhất từng được phát hiện ở Ai Cập.

Các nhà khảo cổ học nghiên cứu bên trong đường hầm. (Ảnh: Internet)

“Bên trong mê cung là một hệ thống đường hầm được chạm khắc trên những tảng đá vôi rắn, có hơn 20 chiếc hộp bằng đá granite được làm tỉ mỉ. Một số ý kiến cho rằng đây là nơi chôn cất của những con bò đực Apis, nhưng có lẽ sự thực không đơn giản như vậy. Và những chiếc hộp đá này là ví dụ rõ ràng cho các công nghệ tiên tiến bị thất truyền của nền văn minh Ai Cập cổ đại”, một chuyên gia cho biết.

Nhưng loại công nghệ nào có thể cắt, vận chuyển và bày trí những khối đá có trọng lượng lên tới một trăm tấn?

Các nhà khảo cổ đã mở nắp hộp bằng thuốc nổ, nhưng không có bất cứ thứ gì bên trong, cho thấy những chiếc hộp lớn ở Serapeum Saqqara có thể không được sử dụng làm nơi chôn cất những con bò mộng Apis.

Những chiếc hộp đá bên trong đường hầm. (Ảnh: Internet)

Điều đáng chú ý nữa là, hầu hết những chiếc hộp được làm bằng đá granite đỏ, một loại đá rất khó khai thác và cách Saqqara 800 km, trong khi vài hộp khác được làm từ diorit, vật liệu thậm chí còn cách Saqqara xa hơn.

Nhìn từ khía cạnh khoa học hiện nay, việc người xưa có được trình độ xây dựng và khai thác đá như vậy vẫn còn là một bí ẩn. Tại sao họ có thể làm được điều này? Phải chăng con người thời đó đã có những lối tư duy khác? Một con đường khoa học khác?

Rõ ràng, những ngôi mộ trống ở nghĩa địa Saqqara đã đặt ra cho nhân loại thêm một trong số rất nhiều bí ẩn mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Hoàng An, Theo Ancient Code