Các nhà khảo cổ từ lâu đã tranh luận về cách thứ mà những cư dân cổ xưa trên đảo Phục Sinh đặt cân bằng một tảng đá trên đầu của những bức tượng Moai nổi tiếng nằm rải rác trên khắp hòn đảo này. Giờ đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm ra câu trả lời.
Đảo Phục Sinh, hay còn gọi là Rapa Nui trong ngôn ngữ Polynesian, là một hòn đảo nhỏ xa xôi cách Nam Mỹ một vài dặm về phía Tây. Một trong những điểm nổi bật nhất của hòn đảo này là 887 tượng đá nguyên khối khổng lồ có tên là Moai. Ban đầu đảo có tên là “Te Pito O Te Henua”, tức trung tâm của thế giới. Vào năm 1972 đảo đã được đổi tên thành “Đảo Phục Sinh” khi nhà thám hiểm người Hà Lan là Jakob Roggeveen đến nơi này.
Các bức tượng đá Moai nam giới khổng lồ được tìm thấy trên đảo có một số đội mũ trụ đỏ trên đầu, nó có thể là vật trang trí cho mái tóc hay mũ lông vũ đỏ mà các tù trưởng người Polynesia đội.
Chúng có dạng hình trụ với một vết lõm ở mặt dưới để đặt vừa trên đầu tượng đá Moai, ngoài ra còn có một nút trên đỉnh. Các mũ hình trụ đỏ đặc trưng này được đặt cân bằng trên đầu tượng đá Moai. Nhiều năm qua, người ta chưa lý giải được cách thức nâng và đặt chiếc mũ này, các giả thuyết được đưa ra chỉ loanh quanh chuyện tượng được làm cùng mũ hay mũ được đặt sau khi tượng được làm xong.
Theo một nghiên cứu mới, các mũ hình trụ đỏ được lăn trên một triền dốc thoai thoải để đến vị trí đầu tượng. Tờ Khoa học Cuộc sống cho biết, những nhà nghiên cứu đã sử dụng “vật lý học đơn giản để làm mô hình tác động lực và mô-men xoắn để đặt mũ hình trụ đỏ lên đầu tượng Moai thông qua nhiều kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như lăn các mũ trên một đoạn đường dốc thoai thoải để tới đỉnh của bức tượng, xây dựng một tòa tháp khổng lồ và sử dụng một hệ thống ròng rọc, hay dựng đứng tượng Moai và mũ trụ đá đồng thời.“
Đồng tác giả nghiên cứu Sean Hixon, một sinh viên khoa Khảo cổ học và Địa chất tại Đại học Oregon, người đã trình bày phát hiện của mình tại Hội nghị thường niên lần thứ 80 của Hiệp hội Khảo cổ học Mỹ, cho biết việc lăn mũ hình trụ “sẽ là một vấn đề tương đối dễ dàng” và chỉ cần dưới 10 người là có thể thực hiện được.
Hixton nói thêm rằng, các đặc điểm khác hỗ trợ giả thuyết lăn mũ trụ đến vị trí bao gồm: vết lõm ở đáy của nmũ trụ và hình dạng thuôn dài của chúng. Hình dạng này có lợi thế hơn một mặt cắt phẳng ngang hình tròn vì nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro gây tai nạn lăn xuống dốc. Nhiều mũ hình trụ đỏ cũng có vết lõm tròn và vết xước dọc hai bên, chúng có thể được dùng để thuận lợi cho việc kéo.
Tuy nhiên, Hixon thừa nhận nghiên cứu còn xa mới đi đến kết luận và các giả thuyết có giá trị khác vẫn có thể được chấp nhận, vì phần lớn nghiên cứu đều cho thấy rằng tất cả phương pháp đều khả thi về mặt lý thuyết nếu có đủ người.
Đảo Phục Sinh là nơi định cư của người Polynesian từ khoảng năm 300 SCN, vào giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVI, cộng đồng cư dân đảo dần được mở rộng, các khu định cư đã được thiết lập dọc theo đường bờ biển. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, dân số ở đây đã suy giảm nhanh chóng từ 15.000 xuống còn 2.000 người. Trong nhiều năm, người ta tin rằng nguyên nhân là do sự suy thoái môi trường gây khủng hoảng kinh tế và xã hội. Mặt khác, nghiên cứu gần đây đã bác bỏ quan điểm này vì người ta chứng minh được rằng sự suy giảm dân số chỉ xảy ra sau khi người châu Âu tới đây.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins