Tọa lạc tại làng Derweze thuộc sa mạc Karakum, hố lửa “địa ngục” là địa chỉ du lịch hấp dẫn hàng đầu của Turkmenistan.
Hố lửa khổng lồ nằm gần làng Derweze, cách thủ đô Ashgabat 260 km. Nó có đường kính khoảng 70 m, sâu 20 m, nằm ở trung tâm sa mạc Kakarum. Mỏ khí Derweze không hình thành do động đất hay núi lửa mà hình thành từ một chương trình nghiên cứu thực địa trữ lượng khí đốt ở đây của các nhà khoa học Liên Xô. Trong khi tiến hành khoan thăm dò địa chất ở đây vào năm 1971, các nhà khoa học đã khoan phải một túi khí. Mặt đất bên dưới dàn khoan bị đổ sụp tạo thành một hố lớn.
Không có thiệt hại về người trong vụ sụp lở này. Tuy nhiên, số lượng lớn khí mêtan thoát ra từ hố Derweze đã dấy lên các lo ngại về môi trường và gây tổn hại to lớn cho người dân lân cận. Lo sợ khí độc thoát ra khỏi hố, các nhà khoa học đã quyết định đốt hố Derweze. Theo đó, việc đốt bỏ khí là giải pháp tốt nhất để khí mê tan không bay vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm. Vào thời điểm đó, người ta mong muốn khí độc sẽ cháy hết trong vài ngày, nhưng hơn 40 năm nay nó vẫn tiếp tục cháy.
Do những đặc điểm độc đáo và hiếm có này, người dân địa phương đã gọi hố Derweze là “Cổng địa ngục”. Đã có hàng trăm khách du lịch đổ xô đến thăm quan nơi đây mỗi năm. Ngọn lửa tạo ra ánh sáng màu vàng và có thể nhìn xa vài dặm từ ngôi làng Derweze với dân số 350 người. Du khách sẽ thực sự bị ấn tượng bởi những đốm lửa đỏ rực bùng cháy trong lòng hố Derweze, thắp sáng cả bầu trời đêm. Có điều do nồng độ khí gas quá nặng nên du khách không thể đứng gần hố quá 5 phút. Hồi tháng 4/2010, Tổng thống Turkmenistan – ông Gurbanguly Berdimuhamedow đến thăm “cổng địa ngục” này và ra lệnh đóng cửa hố này để đảm bảo an toàn cho các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, lệnh trên vẫn chưa được thực hiện và nơi đây vẫn đang ngày càng trở nên thu hút du khách hiếu kỳ, ưa mạo hiểm.
Tháng 11/2013, nhà nghiên cứu người Canada George Kourounis là người đầu tiên thám hiểm hố lửa khổng lồ ở Turkmenistan với mục đích tìm kiếm các mẫu đất ở sâu bên dưới và tìm hiểu dấu vết của sự sống khi tồn tại trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Dự án nghiên cứu được lên kế hoạch trong hơn một năm. Để thám hiểm Darvaza, Kourounis phải mặc một bộ đồ chống nhiệt, trang bị bộ máy thở đặc biệt, dụng cụ leo núi và một số thiết bị khác. Mai Anh (tổng hợp) |
Theo Giao Thông