Các cuộc biểu tình ở Belarus thời gian gần đây đã đánh dấu sự trỗi dậy của ‘quyền lực mềm’, với sự dẫn dắt của những người phụ nữ trong phong trào chính trị đang ảnh hưởng trên toàn quốc. Điều này tạo ra sự ảnh hưởng như thế nào?
Trước hết, nói về vị trí của người phụ nữ ở Belarus. Phụ nữ ở nước này luôn được tôn trọng trong xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Cứu giúp Trẻ em quốc tế (so sánh 167 quốc gia), Belarus có tỷ lệ chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em tốt nhất trong mọi nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Belarus xếp hạng 16 về chất lượng cuộc sống bà mẹ, 14 về chất lượng cuộc sống phụ nữ, và 20 về chất lượng cuộc sống trẻ em. [1] 60% số họ có thể nói tiếng Anh, và ở mức cao hơn một chút đối với tiếng Đức.
Belarus được gọi là vùng đất của những người có trái tim rộng mở, thiên nhiên đẹp, và phụ nữ đẹp. Lịch sử của họ gắn liền với những cuộc chiến tranh. Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ Belarus đã thể hiện tinh thần anh hùng đáng kinh ngạc. Cùng với truyền thống thủ cựu, các yếu tố trên đã nhào nặn ‘phái yếu’ của dân tộc này vừa có những đặc tính dịu dàng, lại vừa kiên cường, tự chủ.
Khoảng 25% doanh nghiệp ở Belarus được điều hành bởi phụ nữ. Với thiên tính cẩn trọng và chu toàn, những doanh nghiệp của họ có tỷ lệ phá sản chỉ bằng một phần tư so với các doanh nghiệp của nam giới. Họ cũng khá quan tâm đến chính trị, nhiều tổ chức đại diện cho phụ nữ có địa vị quốc tế và toàn quốc.
Quay lại về chủ đề biểu tình ở Belarus thời gian gần đây, với những ai đang theo dõi sự kiện này hẳn sẽ phải ấn tượng với nhà hoạt động đối lập Svetlana Tikhanovskaia. Đài RFI mô tả bà trong một lần phát biểu như sau: “Trong chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, tóc xõa ngang vai, gương mặt nghiêm nghị, Svetlana Tikhanovskaia qua cầu truyền hình, đọc thông điệp gửi đến các nghị sĩ châu Âu.”, đó là một hình ảnh rất tiêu biểu với những đặc điểm truyền thống của phụ nữ Belarus nói trên.
Bà nói : “Belarus đã thức dậy. Chủ Nhật vừa qua chúng tôi đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử đất nước. Chúng tôi không còn trong hàng ngũ đối lập nữa, chúng tôi chiếm đa số tại quốc gia này”. Bà nói tiếp : “Đây không phải là một phong trào phản kháng để chống hay thân Nga, cũng không phải là một cuộc cách mạng chống hay ngả theo châu Âu. Đơn giản là chúng tôi muốn tự do định đoạt lấy số phận của mình”.
Tự chủ! Đó chính xác là những gì mà người Belarus khao khát. Năm 1994, người dân Belarus đã từng một lần tự chọn lấy con đường của chính mình. Năm đó, Lukashenko tranh cử Tổng thống với tư cách ứng viên độc lập, không liên hệ với đảng phái nào mà chỉ giơ cao khẩu hiệu chống tham nhũng. Vì sự chán ghét đối với tầng lớp cai trị cũ hơn là hiểu biết đối với tân ứng viên, Lukashenko đã nhận được sự ủng hộ áp đảo từ người dân và trở thành vị Tổng thống đầu tiên của quốc gia sau khi tách khỏi Liên Xô.
26 năm trôi qua, chính người từng đứng về phía “tầng lớp người nghèo và bị bóc lột” đã trở thành kẻ bóc lột và tham nhũng đệ nhất. Người Belarus dần nhận ra họ đã sai lầm trong quá khứ. Suốt từ đó đến nay, bất chấp sự phản đối ngày càng mạnh mẽ từ quần chúng, vị ‘Tổng thống đầu tiên và duy nhất’ của Belarus vẫn cứ nhận được 80% phiếu bầu trong các cuộc bầu cử. Sự bàng quang của ông ta đối với nguyện vọng của dân chúng rốt cuộc đã đánh động đến tầng lớp mềm yếu nhất trong xã hội, nhưng cũng là tầng lớp cứng rắn nhất – phụ nữ. [3]
Lukashenko đã bị dồn đến chân tường. Quân đội, tiền và sự ủng hộ từ các quốc gia độc tài gồm Nga và Trung Quốc là lớp bảo vệ cuối cùng dành cho ông ta. Tuy nhiên, quân đội dường như đã bị vô hiệu hóa trước “quyền lực mềm” đang trỗi dậy này.
Phụ nữ không có vũ khí đầy tính sát thương như đạn và dao găm, nhưng họ sẵn sàng cho đi những nụ hôn, cái ôm và ánh mắt đong đầy tình cảm.
Trong chiếc áo trắng, họ cầm trên tay những cành hoa giương cao kết thành ‘chuỗi đoàn kết’ lên án tình trạng đàn áp biểu tình quanh kỳ bầu cử gây tranh cãi. [4] Bất chấp sự chụp mũ từ chính quyền Lukashenko, người dân thế giới vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng cuộc biểu tình kia không phải do sự thúc đẩy từ thế lực chính trị nước ngoài, đơn giản bởi vì họ là phụ nữ.
Nhiều ví dụ cho thấy sức mạnh của quyền lực mềm này. Ví như, hình ảnh một người lính quân đội bỏ khiên xuống và từ chối đánh người biểu tình tại Minsk, thủ đô của Belarus. Sau đó rất nhiều phụ nữ đã ôm anh ấy và nước mắt họ tuôn rơi.
Hay trường hợp hai cô gái trẻ xinh đẹp trong bộ váy cưới lộng lẫy giơ cao biểu ngữ “Em sẽ lấy chồng là người biểu tình” đã làm say lòng biết bao chàng trai đang mặc quân phục.
Tiện đây xin nói thêm rằng, theo một thống kê thì 71.7% phụ nữ Belarus kết hôn vì tình yêu, 27.1% được dẫn dắt bởi mong muốn hợp pháp hóa mối quan hệ thực sự ; 22, 5% phụ nữ kết hôn do mang thai, và 15,6% đơn giản là sợ cô đơn. Với hai cô gái này, tỉ lệ ấy hẳn phải thay đổi đôi chút.
Câu hỏi đặt ra là, chừng đó có đủ để đánh bại chủ nghĩa độc tài hay chưa? Phụ nữ, trẻ em là những thành trì cuối cùng của xã hội. Chỉ khi những gã đàn ông đã bị đánh bại, họ mới bất đắc dĩ phải đi tới tiền tuyến. Nhưng phụ nữ, như thiên tính của họ vẫn là phải lùi về sau cánh gà, họ khó có thể trở thành yếu tố quyết định cuối cùng. Svetlana Tikhanovskaya là một phụ nữ mạnh mẽ, bà đã từ vị trí nội trợ mà bước lên vị trí lãnh đạo thay cho chồng mình. Và rồi vì con cái, vì sự mềm yếu của một người làm mẹ, bà lại rút lui. [5]
Cuộc khủng bố từ ý thức hệ cộng sản đã lan đến những tầng lớp dễ tổn thương nhất trong xã hội. Nhưng một tinh thần tự chủ mới đang lan ra toàn thế giới. Tinh thần ấy trỗi dậy từ Hồng Kông, được Hoa Kỳ hưởng ứng, qua cơn sóng Thái Bình Dương mà dạt về Thái Lan, dựa theo gió lớn mà hướng về phương Bắc (Belarus), và rồi đang ấp ủ để xua tan đi cả sương mù u tối của London.
Thế giới ắt hẳn đang đứng trước bước ngoặt vận mệnh to lớn. Với tinh thần trách nhiệm, những gã đàn ông thực thụ, những đại trượng phu của gia đình, cần phải đứng dậy để bảo vệ những đứa trẻ và những người đàn bà, chứ không phải để họ tiếp tục xông pha tiền tuyến thay cho mình.
Từ Thức