Tinh Hoa

Bầu cử Mỹ: Mô phỏng thực tế của “Hiệu ứng bướm”

Cục diện thế giới gần như không thay đổi dù cựu ngoại trưởng Hillary Clinton 69 tuổi đầy kinh nghiệm chính trường hay tỷ phú Donald Trump 70 xuân đầy tai tiếng thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Vậy tại sao cuộc bầu cử lại được chú ý đặc biệt?

Vậy tại sao cuộc bầu cử vẫn được chú ý đặc biệt?

“Hiệu ứng bướm”, một bộ phim tâm lý ly kỳ năm 2004, bị các nhà phê bình chê đứng chê ngồi nhưng đạt doanh thu 96 triệu USD mà tiền làm phim chỉ 13 triệu USD. Nhà làm phim lãi to cơ bản là nhờ mượn nguyên xi tên một học thuyết được cho là làm thay đổi cách tư duy của thời đại.

Theo học thuyết này mà cha đẻ của nó là nhà khí tượng học Mỹ vô danh, Edward Norton Lorenz, một cái đập cánh của con bướm ở biển Đông có thể gây ra cuồng phong hoặc có thể ngăn chặn một cơn bão lớn xảy ra ở nơi khác cách xa nghìn trùng, Mỹ chẳng hạn.

Luận điểm nổi tiếng ấy dẫn đến một loạt tư duy mới từ cuối thế kỷ XX, trong đó có tư duy tiên đoán xu thế lớn trong tương lai từ một sự kiện nhỏ ở hiện tại, tư duy xây dựng nhiều kịch bản và lựa chọn kịch bản thích hợp nhất để ứng phó tương lai bất định.

Thế mới có chuyện dấy lên trào lưu mổ xẻ một cách có hệ thống cá tính các chính khách có tầm ảnh hưởng lớn, thay vì chủ yếu chỉ quan tâm lập trường và trình độ như trước đây. Thế mới có công bố nghiên cứu đầu tiên vào năm 2005 điểm lại tính cách tất cả tổng thống Mỹ do 120 chuyên gia tiến hành.

Và thế mới có chuyện các ứng viên tổng thống Mỹ càng ngày càng bị xoi mói về cá tính. Càng phơi lộ đời tư bao nhiêu, tranh luận ứng viên tổng thống càng thiên về cãi cọ cá nhân bấy nhiêu. Xu thế ấy đến cặp đôi Trump-Clinton đạt đỉnh điểm với đủ thứ chuyện không ai tin nổi, trong đó có cảnh ít nhất 24 phụ nữ tố ông Trump quấy rối tình dục với họ trong 30 năm qua.

Những chi tiết kiểu như vậy lan toả ghê gớm mà không ai lường được quy mô tác động và hậu quả cuối cùng. Giờ đây, các tiểu tiết của các ứng viên dường như tác động mạnh mẽ đến lá phiếu của cử tri hơn là các quan điểm về chính sách vĩ mô như trong quá khứ.

Lịch sử nước Mỹ và tương lai thế giới có vẻ như được phán định chủ yếu từ các hành vi, lỗi lầm của hai đương kim ứng viên Trump-Clinton hơn là học vấn và kinh nghiệm. Đó là lý do vì sao hầu như không ai dám chắc chính sách của Mỹ đối với nước mình thế nào nếu ông Trump sáng nắng chiều mưa và nói năng bạt mạng thắng. Đó là lý do tại sao một số nước bắt tay xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau nếu bà Clinton, và nhất là ông Trump, thắng.

Giờ đây, người ta ngày càng nhận thấy yếu tố động chứ không phải yếu tố tĩnh quy định tính chiều hướng. Bởi vậy, tương lai không còn được dự đoán theo kế hoạch như cách nghĩ truyền thống. Đó là một tương lai không chắc chắn.

Cách ứng phó chủ động nhất với một tương lai không biết ông Trump hay bà Clinton đánh bại đối thủ là sẵn sàng cho một kịch bản xấu nhất, chẳng hạn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị đình hoãn trong bối cảnh hai đảng Dân chủ và Cộng hoà Mỹ đang chia rẽ sâu sắc nhất từ trước đến nay.

Theo Tiền Phong