Tinh Hoa

Bất ngờ lòng đất – Kỳ 4: Truyền kỳ hòn đá nia

Ở cụm tháp Chiên Đàn (H.Phú Ninh, Quảng Nam), nơi lính Mỹ từng san phẳng đỉnh tháp để đặt súng lớn và hiện đang được thử nghiệm bảo tồn bằng công nghệ nano, có những hiện vật Chăm “quy tụ” với lai lịch ly kỳ.

Ông Hồ Lang bên “hòn đá nia” sau khi đã phục chế thêm linga – Ảnh: H.X.H

Bên trong khuôn viên cụm tháp Chiên Đàn thuộc xã Tam An, nơi đang lưu giữ hàng trăm tác phẩm điêu khắc giá trị mang phong cách riêng (phong cách Chiên Đàn) niên đại thế kỷ 11 – 12, có một bệ thờ mà dân gian quen gọi là hòn đá nia, từng được mang về từ một bến sông. Ông Hồ Lang, nhà ở phía sau cụm tháp Chiên Đàn, nắm rõ lai lịch bệ thờ ấy. Ông có nhiều duyên nợ với tháp từ hồi còn nhỏ, nhất là sau này khi con gái ông được cử quản lý cụm tháp.
Tranh chấp hòn đá
Ông Hồ Lang dẫn chúng tôi ra phía trước cụm tháp, chỉ tay về hướng sông Bàn Thạch cách chừng 1 km về phía đông, bảo bệ thờ từng nằm ở đó. Gọi là hòn đá nia vì di vật tròn to như cái nia. Ban đầu, chỉ phần nhỏ phiến đá lộ thiên, người dân làm đồng vẫn thường ghé lại mài dao, rựa. Họ đâu biết một phần yoni trong bệ thờ Chăm đang vất vưởng, còn linga thất tán phải nhờ đến thợ đá Non Nước phục chế khi đưa ra trưng bày. Nhưng đó là chuyện sau này…
Những bậc cao niên ở khu vực thôn An Thọ (xã Tam An) vẫn còn nhớ vụ tranh chấp căng thẳng về hòn đá nia hồi năm 1981. Sau nhiều năm chôn vùi vô danh bên mé sông, đến một ngày có người nhận ra giá trị hòn đá liền tính chuyện lén khuân về trưng bày, “treo thưởng” 50 bao xi măng cho nhóm thanh niên ở bờ đông lấy giúp. Dân làng bờ tây cũng muốn sở hữu hòn đá vì lờ mờ nhận ra mối liên hệ giữa cụm tháp Chiên Đàn và di vật. “Lúc đó, dân đổ ra kín đồng. Bên kia chuẩn bị thuyền để chở đá qua sông, bên này đẵn cây để lót “đẩy” đá về. May mà không có xô xát”, ông Lang nhớ lại.
 
 
Đánh thuốc nổ Linga để tìm vàng
Trong khuôn viên tháp Chiên Đàn còn có bệ thờ khá nguyên vẹn được tìm thấy khi đào kênh hồi năm 1989 – 1990. Đây là bộ yoni – linga được xếp vào nhóm lớn nhất VN với chiều cao gần 2,8 m, phát lộ tại phế tích An Mỹ. Dù người dân bảo vệ kỹ trước khi chuyển xuống Chiên Đàn, bệ thờ này vẫn bị kẻ xấu lén đánh thuốc nổ để tìm vàng khiến mảng đầu linga bị vỡ. Thêm 2 con nghê đá cũng được người dân lần lượt chuyển về từ cánh đồng gần đó.
 

Cuối cùng, hòn đá nia cũng được mang về đặt tại trụ sở hợp tác xã ở bờ tây sông, 7 năm sau mới dịch chuyển vào khu tháp Chăm với niềm tin đây mới chính là nơi người xưa muốn đặt linh vật. Nhiều vị cao niên quả quyết, ở đoạn sông phát hiện hòn đá nia có bến Miếu rất sâu. Đánh lưới chỗ này, họ phát hiện các phiến đá phẳng dưới đáy sông nên đoán người xưa từng chuyển vật liệu xây tháp Chiên Đàn qua bến này. Hòn đá nia vì trục trặc nào đó mà chưa kịp rời khỏi bến, còn phần linga có thể vẫn bị vùi sâu dưới bùn đất…

San phẳng đỉnh tháp để đặt đại liên
Khảo tả của Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho hay trong cụm tháp Chiên Đàn, phần đỉnh tháp Bắc “bị sụp đổ hoàn toàn”, phần mái ở tháp Nam cũng tương tự, riêng đỉnh tháp Giữa “còn lại 1 tầng”. Nhưng các đỉnh tháp này hư hại qua thời gian hay bởi nguyên do nào khác?
Ở tuổi 89, ông Hồ Lang quả quyết từng thấy ở đỉnh tháp Giữa có một lầu cổ rất đẹp, trước khi lính Mỹ kéo đến đồn trú rồi san phẳng. “Trong các năm 1967 – 1968, Mỹ đóng quân quanh tháp này và dựng 2 lô cốt. Từ đỉnh tháp Giữa, có thể thấy rõ tàu cá trên biển, tầm quan sát rất tốt. Vì thế, binh lính đã san phẳng lầu cổ để đặt khẩu đại liên, rồi dọn dẹp 2 đỉnh tháp bên cạnh đặt trung liên”, ông Lang nhớ lại. Trí nhớ của ông Lang được bổ khuyết bởi một “chứng tích” quan trọng: phần đỉnh lầu cổ được tìm thấy qua đợt trùng tu năm 1989. “Rất may không bị vỡ nát”, ông Lang sờ chóp tháp bằng đá sa thạch đang được lưu giữ ở nhà trưng bày và tỏ ý tiếc cho các phần trang trí sứt rời, chưa tìm lại được.
Chị Phạm Thị Mỹ Dung, cán bộ trông coi cụm tháp Chiên Đàn (thay thế con gái ông Lang) dẫn chúng tôi đi quanh chân tháp để khoe những viên gạch chạm khắc rất lạ, phù điêu 2 con voi quay đầu vào cụm sen từng gây ngạc nhiên cho nhiều đoàn du khách nước ngoài, cả những chỗ đang được thử nghiệm bảo tồn bằng công nghệ nano. Tất cả chỉ được phát lộ sau 2 đợt trùng tu do chân tháp từng bị ngập sâu hơn 2 m vì người dân địa phương năm nào cũng gánh đất đổ quanh tháp làm nơi tránh lụt. Nhưng cũng chính họ đã thầm lặng bảo vệ tháp cổ, suốt bao nhiêu năm hương khói và sẵn sàng hiến 2 ha đất khi di tích chính thức được khoanh vùng bảo vệ.
Đứng bên dưới chân tháp, chúng tôi cứ hình dung về thời điểm đỉnh tháp Giữa rơi xuống rồi bị chôn vùi. Sau này, các tư liệu khảo tả chỉ mô tả ngắn gọn là “phần chóp rơi ngay sau tháp”, chứ không thấy kể lể dài dòng về giai đoạn di tích phải làm công trình phòng thủ bất đắc dĩ. Nhưng chính khoảng trống trên 3 đỉnh tháp bây giờ, cùng với câu chuyện truyền kỳ mà người dân lưu giữ, đã chắp nối sống động về một phần lịch sử của di tích Chiên Đàn.

Hứa Xuyên Huỳnh

Theo Thanh Niên