Tinh Hoa

Bất ngờ lòng đất – Kỳ 3: Mảnh gốm vỡ quý hơn vàng

Ít ai ngờ các mảnh gốm vỡ vứt lăn lóc nơi bụi tre ngoài vườn lại trở thành “sứ giả” cho di chỉ Sa Huỳnh ở Quảng Nam, để những hiện vật hàng nghìn năm tuổi được lộ sáng.

Khai quật mộ chum tại Lai Nghi, từ manh mối của những mảnh gốm vỡ – Ảnh: Mai Hồng Lâm
Chị Đinh Thị Hiệp, cán bộ Bảo tàng Điện Bàn, khi khảo sát dọc các xã Điện Hòa, Điện Ngọc, Điện Nam (cũ) với nhóm của ông Nguyễn Chiều – giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội – đã được một người dân “mách nước” về những mảnh gốm lạ và vài nồi gốm nhỏ vứt ngoài bụi tre. “Lúc ấy, họ đâu hay biết gì về những dấu vết đồ tùy táng, cứ tưởng là mảnh vỡ thường thấy sau chiến tranh và tìm thấy khi đào hố làm công trình vệ sinh. Khi biết chúng tôi quan tâm, họ liền giới thiệu”, chị Hiệp kể. Chuyện xảy ra đã chẵn 20 năm và trong một khu vườn như thế tại nhà bà Hà Thị Nuôi ở Lai Nghi (nay thuộc xã Điện Nam Đông, TX.Điện Bàn), những đồ sắt han gỉ cùng nhiều mảnh gốm vỡ đã đặt ra cho các nhà khảo cổ nghi vấn mới về dấu vết đồ tùy táng liên quan đến di chỉ Sa Huỳnh.
Nhưng cũng mất thêm 6 năm kể từ khi những thông tin ít ỏi đó lọt đến tai nhóm khảo sát, tháng 10.2002 hố khai quật đầu tiên ở Lai Nghi mới được mở với sự phối hợp của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khảo cổ học chung và so sánh tại Bonn (thuộc Viện Khảo cổ Đức). Dấu vết khu mộ chum quan trọng trong hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 2.000 – 2.500 năm được phát lộ. “Vướng” mùa mưa nên các chuyên gia phải lui tới thêm 2 lần nữa (năm 2003 và 2004) mới hoàn tất, để làm lộ sáng hàng chục mộ chum của người cổ Sa Huỳnh trong khu vườn rộng 500 m2. Hiện vật tùy táng rất phong phú, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến nhóm đồ trang sức. Nhiều người sững sờ trước các khuyên tai 3 mấu, khuyên tai hình vành khăn bằng đá, hạt cườm thủy tinh, chuỗi mã não, chuỗi hạt thủy tinh dát vàng…
Anh Mai Hồng Lâm, cán bộ Bảo tàng Quảng Nam, đã bám suốt cuộc khai quật kéo dài 3 năm, dù mỗi năm chỉ trực tiếp làm việc tại hiện trường khoảng một tháng rưỡi. Quãng nghỉ giữa các lần khai quật (thường do thời tiết), các hố đào phải che tạm bằng bạt. Vất vả là thế, nên lúc tìm thấy số lượng đồ trang sức độc lạ tại khu mộ chum ai cũng hả hê. “Khi phát hiện 4 chiếc khuyên tai vàng trong một mộ chum cùng các hạt cườm, mọi người quá đỗi ngạc nhiên”, anh Lâm nhớ lại. Ngay các chuyên gia khảo cổ Đức cũng không giấu được niềm vui vì chưa có di tích nào trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh lại tìm thấy nhiều đồ trang sức như thế.
Bảo mật hiện vật, đánh dấu di chỉ
Công chúng bây giờ chỉ nhìn thấy 4 khuyên tai vàng quý giá qua các bức ảnh chụp tại khu giới thiệu chuyên đề về di chỉ Sa Huỳnh trên tầng 2 Bảo tàng Quảng Nam, còn hiện vật gốc đang được bảo tàng cất giữ cẩn mật. Riêng bát gốm 4 chân chưa từng thấy ở các di chỉ tương tự hay khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai 3 mấu, chuỗi cườm… được trưng bày nhưng với số lượng hạn chế.
Dù sao, chừng đó thông tin cũng giúp hình dung về nền văn hóa từng hiện diện cách đây vài nghìn năm, giúp tiếp cận nhiều hơn nữa với những người có địa vị cao trong xã hội thời bấy giờ ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn – chủ nhân của khu mộ chum. Và những mảnh gốm vỡ tưởng chừng là đồ bỏ đi ngoài bụi tre, giờ trở nên rất giá trị và nằm lẫn trong số 15.000 đơn vị hiện vật cất giữ tại Bảo tàng Điện Bàn.
Tiếc rằng những mảnh gốm vỡ tại Lai Nghi đã sớm kết thúc vai trò “sứ giả” của mình. Chị Đinh Thị Hiệp kể, các đợt nghiên cứu sau đó bất thành và gặp khó khăn do vướng đất thổ cư của người dân địa phương. Có chủ hộ sợ đào hố sâu khiến “đứt chân” đất, khó canh tác (!). Biết dưới lòng đất vẫn còn rất nhiều hiện vật quý hiếm, nhiều đoàn nghiên cứu tìm tới đặt vấn đề khai quật nhưng đã phải ra về tay không. Họ đành gửi tia hy vọng mong manh vào những hố đào cũ – nơi các chuyên gia khảo cổ của Hà Nội và Bonn (Đức) đã kịp đánh dấu tọa độ di chỉ trước khi lấp đất trở lại.
Di chỉ “đậm đặc” ở Hội An
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nhiều di chỉ Sa Huỳnh phân bố “đậm đặc” ở TP.Hội An và cách không xa di chỉ Lai Nghi cũng được người dân phát hiện, sau đó trình báo cơ quan chuyên môn.
Tại di chỉ Hậu Xá 1 (Thanh Hà), một số hố được người dân phát hiện tại nghĩa địa Tin Lành; di chỉ An Bang cũng tương tự. Điều thú vị là kể từ di chỉ Lai Nghi kéo xuống các di chỉ Sa Huỳnh khác ở Hội An như Trảng Sỏi, An Bang, Thanh Chiếm, Hậu Xá…, mỗi điểm di tích chỉ cách nhau khoảng 1 km và có dòng chảy nhỏ cắt ngang theo hướng bắc – nam, cho thấy cư dân tiền sơ sử cư trú theo cồn cát.
Tiên đoán về sự hiện diện của cư dân thời tiền sơ sử cũng như di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực này đã được GS Trần Quốc Vượng đưa ra từ hội thảo quốc gia năm 1985 tại Hội An.

Hứa Xuyên Huỳnh

Theo Thanh Niên