Ống hút nhựa, ly nhựa, chén nhựa, túi nhựa (nylon)… những vật dụng tiện nghi dùng một lần rồi bỏ của con người đã và đang gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng tới môi trường. Sau đây là một đoạn clip thương tâm về một chú rùa trở thành nạn nhân của thói quen xả rác bừa bãi của con người.
Một nhóm các nhà khoa học trong chuyến nghiên cứu của mình tại bờ biển Costa Rica đã phát hiện một chú rùa biển đực giống Olive Ridley với một vật thể kỳ lạ nằm trong hốc mũi. Ban đầu họ nghĩ đấy là một loại giun ký sinh và tìm cách lấy nó ra để xác định danh tính. Nhưng sau đấy nhóm của GS. Nathan J. Robinson và Christine Figgener nhận ra rằng đấy không phải giun ký sinh, mà là một ống hút nhựa đã bị hóa rắn! Do nhóm nghiên cứu không hề chuẩn bị cho tình huống này nên trên tàu không có các thiết bị y tế cần thiết. Trong khi đó con tàu đang cách xa bờ vài tiếng đồng hồ và các trạm thú y còn ở xa hơn thế. Sau một lúc tranh luận, các nhà nghiên cứu quyết định “tự xử” bằng một số công cụ có sẵn như kềm và khóa đa năng Thụy Sỹ. Lẽ tất nhiên, nhóm nghiên cứu không có sẵn thuốc gây mê cho động vật và tất cả đều làm bằng tay. Nhưng thương tâm nhất là cảm giác đau đớn của chú rùa. Không rõ tại sao một vật dài tới 10 cm lại có thể lọt sâu đến thế. Có lẽ do chú bơi ngang qua bãi rác thải do con người quăng vương vãi trên bờ biển, và vô tình một ống hút loại cứng đã lọt vào hốc mũi của chú. Tuy vậy, chú rùa không có bàn tay như con người để có thể lấy nó ra và việc hít thở bị khó khăn, nên chú ngày càng hít sâu hơn khiến cho chiếc ống ngày càng lọt sâu hơn. Cho đến khi được phát hiện, toàn bộ chiếc ống đã ngập hoàn toàn trong đầu của chú. Và nếu không được lấy ra, rất có thể chú sẽ không hô hấp đủ lượng oxygen cần thiết để bơi lội cũng như săn mồi. Về lâu dài, chú sẽ không sống nổi do bị đói ăn cũng như bị ngộp thở và sẽ chết dần một cách rất khổ sở. Trong đoạn clip gần 10 phút, có thể thấy chú rùa đau đớn đến mức nào khi các nhà nghiên cứu cố gắng rút chiếc ống đã vướng chắc vào ống thở của chú. Rất nhiều lần chú cố gắng rụt đầu lại như thể “xin cám ơn, đừng rút nữa, đau lắm”. Máu chảy ra từ hốc mũi nhưng không có thuốc gây tê để giảm đau. Thậm chí chú còn rên “aaaaaaaaaaaaaaa” từ cuống họng mỗi khi có người cố rút chiếc ống. May thay, nhờ sự cố gắng của các nhà khoa học, sau cùng chiếc ống tai ác cũng đã được lấy ra ngoài. Nhóm của Figgener sau đó đã sát trùng vết thương bằng iodine và giữ chú một thời gian để quan sát. Theo ghi nhận của họ, máu đã ngưng chảy ngau sau khi ống được rút ra. Tình trạng của chú đã tốt hơn trước rất nhiều và họ quyết định trả chú lại với đại dương. Tuy nhiên, những câu chuyện thương tâm như trên sẽ còn tiếp tục vì thủ phạm không ai khác chính là con người. Những vật dụng chỉ dùng một lần rồi bỏ nhưng được bằng nhựa (plastic) sẽ nhanh chóng trở thành rác thải. Và vì nhựa rất bền vững trong môi trường nên chúng rất chậm phân hủy theo thời gian. Thói quen sử dụng bừa bãi của con người đặc biệt là các khách du lịch khiến cho nhựa trở thành thảm họa môi trường trên đại dương. Rác thải nương theo dòng hải lưu và “tập kết” lại giữa Thái Bình Dương Hàng “núi” rác khổng lồ dưới biển Và các nạn nhân của con người Trên thực tế đã có rất nhiều rác thải bằng nhựa “tập kết” ngoài bờ biển hoặc đại dương dựa vào gió hoặc các dòng hải lưu, tạo thành những bãi rác khổng lồ. Đáng chú ý nhất là Bãi rác Khổng lồ Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch) nằm trôi nổi ở phía bắc đại dương này. Và hàng ngày đang có rất nhiều sinh vật biển trở thành nạn nhân của những núi rác trên nhưng chúng không mảy may có được cơ hội như chú rùa Olive Ridley để sống sót. Nếu con người không thay đổi hành vi tiêu xài lãng phí của mình, sẽ đến một ngày chúng ta mất hết những loài sinh vật quý giá nhất hành tinh. Theo những nghiên cứu mới đây của các nhà sinh vật học, số lượng các loài bị tuyệt chủng trong thế giới hiện đại đang tăng chóng mặt. So với tốc độ tuyệt chủng “tự nhiên”, tốc độ tuyệt chủng “nhân tạo” có tốc độ cao gấp 100 lần. GS. Gerardo Ceballos, thuộc trường ĐH Tự trị Quốc gia (Mexico), cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra tình trạng tồi tệ đến mức nào. Đây là điều rất đau buồn vì dù chúng ta đã áp dụng đến cả những biện pháp bảo tồn, thì số lượng các loài đã mất đi (do con người) vẫn cao hơn con số mất mát của tự nhiên. Điều đó cho thấy chúng ta đang thực sự mất đi một số lượng lớn các loài”. Báo cáo của Ceballos cho thấy ở điều kiện “tự nhiên”, trung bình chỉ có 2/10000 loài biến mất sau một thế kỷ. Nhưng ở điều kiện “nhân tạo”, con số này cao hơn từ 8 – 100 lần tùy theo giai đoạn lịch sử. Lấy ví dụ tính từ năm 1900 cho tới nay, đã có 477 loài động vật có xương sống biến mất khỏi hành tinh. Nếu là điều kiện “nhân tạo”, con số này đáng lẽ chỉ có 9 loài! Hàng trăm loài sinh vật đang bị giết chết bởi sự vô ý thức của con người Số lượng nhiều loài bị tuyệt chủng trong thời gian ngắn như trên khiến các nhà khoa học đặt ra câu hỏi – liệu có phải sự kiện Tuyệt chủng Hàng loạt (Great Extinction) lần thứ 6 trong lịch sử Trái Đất đang diễn ra? Trước khi loài người xuất hiện, Trái Đất đã trải qua 5 sự kiện Tuyệt chủng Hàng loạt mà lần gần đây nhất là 66 triệu năm trước đã khiến các loài khủng long biến mất khỏi mặt đất. Phải chăng khi con người càng phát triển, chúng ta lại càng phá hoại môi trường nhiều hơn và đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ là nạn nhân của lối sống hoang phí của chính mình? Huyền Thế Tổng hợp từ The Guardian, Wikipedia và YouTube |
Theo VnReview