Tinh Hoa

Bắt buộc ô tô gắn bình cứu hỏa và nỗi lo lắng của người dân

Những ngày gần đây, Thông tư 57 của Bộ Công an bắt buộc ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình cứu hỏa được ban hành và có hiệu lực từ 6/1/2016 khiến dư luận xôn xao. Nhiều người dân lo sợ về an toàn do chất lượng bình cứu hỏa trên thị trường hiện nay.

(Ảnh: Internet)

Tổng Giám đốc Toyota: ‘Chỉ Việt Nam có đặc thù bắt buộc ô tô gắn bình cứu hỏa’

Phần trả lời báo chí tại họp báo ra mắt xe mới Lexus RX 2016 ở Hà Nội chiều 12/1, Tổng Giám đốc TMV – ông Yoshihisa Maruta bất ngờ nhận được câu hỏi liên quan đến Thông tư 57 của Bộ Công an bắt buộc ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình cứu hỏa.

“Trên cả thế giới, tôi chỉ thấy bắt buộc trang bị bình cứu hỏa trong xe ô tô là một quy định đặc thù của Việt Nam”,  ông Maruta đưa ra nhận xét.

Ông Yoshihisa Maruta – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam tại họp báo hôm 12/1. (Ảnh: Internet)

Đồng thời ông cũng cho biết Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA – ông Maruta đang giữ chức Chủ tịch) cũng đang tiến hành nghiên cứu về Thông tư này và khi có đủ điều kiện sẽ có những ý kiến gửi cơ quan chức năng.

Theo Thông tư 57 do Bộ công an ban hành, quy định, ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg. Mức phạt tiền đối với các vi phạm từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Thực tế, trên thế giới gần như không có quốc gia nào có nền công nghiệp chế tạo xe hơi lâu đời ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á quy định bắt buộc lắp bình chữa cháy trên xe hơi loại dưới 9 chỗ ngồi.

Lo ngại bình cứu hỏa phát nổ

Hiện dư luận đang nóng lên với những lo ngại về khả năng bình cứu hỏa phát nổ nếu để trong xe dưới trời nắng nóng ngày hè. Mới đây, phóng viên tờ Petrotimes đã trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với một nạn nhân của một vụ bình cứu hỏa phát nổ trong ô tô khi đang tham gia giao thông.

Anh Duy Phong ở Hà Nội cho biết, tháng 6/2014, anh có mua một bình cứu hỏa mini dung tích 400ml ở siêu thị Big C Long Biên và gắn trong xe. Việc mua bán có đầy đủ hóa đơn và trên vỏ bình có ghi rõ địa chỉ nhà phân phối.

Tháng 7/2014, trong khi đang lái xe đi làm, bất ngờ bình cứu hỏa này phát nổ. Nhiều người hiếu kỳ xúm lại xem nhưng cũng không giúp được gì. Khi bọt trong bình cứu hỏa tan hết sau khi phát nổ, anh phát hiện nội thất trong xe bị hư hại khá nghiêm trọng.

Nội thất bị phá do vụ nổ bình cứu hỏa (ảnh do nạn nhân của vụ việc cung cấp)

Qua xem những tấm ảnh được chụp lại do anh Duy Phong cung cấp, có thể thấy phần ốp trần xe phía gần kính lái phía sau bị xé rách, còn phần đèn sau bị bung ra.

Chiếc bình cứu hỏa mini có ghi xuất xứ Trung Quốc và đầy đủ địa chỉ của nhà phân phối. Đáy bình có ghi hạn sử dụng tới tháng 12/2017. Phần nắp bình bị bung ra và toàn bộ vỏ bình bị biến dạng do sức công phá của vụ nổ.

“Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, nhiệt độ ngày 31/7/2014, ngày mà bình cứu hỏa của tôi phát nổ, thì tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất từ 26-28 độ C; nhiệt độ cao nhất từ 32-35 độ C” – anh Phong cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Minh Đồng, kỹ sư xe hơi từng có nhiều năm làm việc tại Đức, thì thông thường, việc trang bị bình chữa cháy chỉ quy định cho những xe đặc chủng. Nếu quy định trang bị bình chữa cháy trên các loại ôtô, nhà nước cần đặt hàng sản xuất loại bình chữa cháy ôtô, có khả năng chịu được va đập, nhiệt độ cao mới bảo đảm an toàn khi lắp trên ôtô.

Theo baomoi