Tinh Hoa

Bảo Yên khai thác thế mạnh du lịch tâm linh

Là vùng đất có hai dòng sông chảy qua (sông Hồng ở phía tây nam và sông Chảy ở phía đông bắc), huyện Bảo Yên (Lào Cai) có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn.

Đặc biệt, nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, ghi dấu tích oanh liệt của các tướng quân có công dẹp giặc phương Bắc, với những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nổi tiếng như đền Bảo Hà (thờ tướng quân Nguyễn Hoàng Bẩy); đền Phúc Khánh lưu giữ dấu tích oai hùng của thành cổ Nghị Lang do anh em nhà họ Vũ là Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật dựng lên trong quá trình trấn ải biên cương xây thành lũy chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc…
Nhiều thuận lợi
Cuối tháng 9/2014, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là lợi thế rất lớn đối với du lịch Lào Cai nói chung và du lịch Bảo Yên nói riêng, bởi điểm du lịch tâm linh đền Bảo Hà của huyện chỉ cách chưa đầy 15 phút đi xe ô tô, tính từ nút giao IC16 giao cắt với quốc lộ 279. Không chỉ đền Bảo Hà đi lại thuận lợi, mà các điểm du lịch khác như đền Phúc Khánh, đồi Phố Ràng, điểm du lịch bản làng xã Nghĩa Đô, cũng nằm ngay bên trục quốc lộ 279 giao cắt với quốc lộ 70, rất thuận tiện cho du khách tham quan.

Lễ hội đền Bảo Hà.

Theo báo cáo của ngành Du lịch, từ ngày khánh thành đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến nay, lượng du khách đến Lào Cai đã tăng gấp nhiều lần. Năm 2015, Lào Cai xây dựng kế hoạch đón trên 1,8 triệu du khách, nhưng tính đến đầu tháng 8, con số này đã đạt trên 1,2 triệu lượt người. Riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Lào Cao đón trên 10 vạn lượt khách, trong đó có 70% lượt khách thăm viếng các điểm du lịch Bảo Yên, chủ yếu là đền Bảo Hà, đền Phúc Khách và di tích lịch sử đồn Phố Ràng.
Mới đây ngành chức năng Lào Cai có đưa ra con số thống kê nộp ngân sách của các điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh. Trong đó, điểm du lịch tâm linh đền Bảo Hà, huyện Bảo Yên đã đạt tới con số 10 tỷ đồng, gấp 2 lần số thu năm 2012, chỉ đứng sau điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa. Và tương lai du lịch Bảo Yên sẽ còn tăng mạnh hơn nếu biết khai thác tốt các lợi thế của mình.
Điểm nhấn đền Bảo Hà
Theo sử sách, đền Bảo Hà thờ thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bẩy (thường gọi tắt là Hoàng Bảy), một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bản làng. Theo truyền thuyết kể lại, vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786 ) khắp vùng Quy Hóa, gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng, đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến không cân sức với quân giặc, ông đã anh dũng hy sinh. Ghi nhớ công lao to lớn của vị tướng quân, nhân dân trong vùng đã an táng, lập đền thờ ông tại đây và lấy ngày 17 tháng 7 âm lịch hàng năm để làm ngày giỗ chính.
Tháng 11/1997, đền Bảo Hà được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Năm nay là năm đầu Lễ hội đền Bảo Hà được UBND tỉnh Lào Cai cho phép tổ chức ở cấp huyện với thời gian kéo dài 3 ngày từ ngày 15 đến ngày 17/7 (âm lịch) (tức từ 28 – 30/8). Trong đó có hai ngày đầu dành cho phần hội với các hoạt động văn hóa – thể thao, thi chọi trâu, hội chợ triển lãm, chợ ẩm thực và đặc biệt là tổ chức hội thảo đánh giá tiềm năng du lịch của tuyến văn hóa tâm linh sau một năm ký kết hoạt động văn hóa tâm linh giữa 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.
Theo ông Nguyễn Bình, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bảo Yên, các hoạt động chính của lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 28/8/2015 (tức ngày 15/7/2015 âm lịch). Mở đầu là Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch tâm linh vùng sông Hồng – sông Chảy” do Lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cùng lãnh đạo Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện nghiên cứu và phát triển du lịch chủ trì. Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp về liên kết phát triển du lịch tâm linh với các địa phương, các tỉnh ở lưu vực sông Hồng, sông Chảy, những thuận lợi và thách thức đối với du lịch sau khi đường cao tốc đưa vào vận hành, tăng cường thời gian lưu trú, mua sắm sản vật, đồ lưu niệm, đồ dâng cúng ở địa phương nhằm kích thích du lịch phát triển.
Ngày chính lễ 30/8/2015 (tức ngày 17/7 âm lịch), từ 6 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, sẽ diễn ra lễ rước kiệu, lễ khai mạc, lễ dâng hương và lễ tế dân gian với sự tham gia của chính quyền địa phương và đông đảo người dân cùng khách thập phương trong và ngoài tỉnh. Đại diện các tỉnh bạn trong chương trình hợp tác tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng như: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… cũng được mời đến tham dự lễ hội.

Theo Báo Tin Tức