Gần đến những ngày cuối năm nhưng có lẽ nhiều người dân ở Trung Quốc sẽ phải đón một cái tết trong muộn phiền, cơn “bão thất nghiệp” quét qua Đại lục đang đẩy nhiều người vào tình thế túng quẫn, tiếng kêu than vang vọng khắp nơi.
Theo thông báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 24/12, Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây đã ký “Ý kiến về cải thiện ổn định việc làm”, yêu cầu “ổn định việc làm” phải được đặt ở vị trí hàng đầu, yêu cầu các doanh nghiệp phải có quy định về việc cắt giảm nhân sự, đồng thời ông cũng đưa ra 6 biện pháp chính để ngăn chặn sự bùng nổ của “làn sóng thất nghiệp trên quy mô lớn”.
Các công ty Internet sa thải nhân viên
Gần đây, WeChat lưu hành một bài báo “Các công ty Internet bắt đầu một làn sóng sa thải mới, cuối năm thật buồn”. Bài đăng cho biết: “Bộ phận xe không người lái của Baidu đã sa thải nhân viên trên quy mô lớn, tỉ lệ sa thải này chưa xác định được, nguyên nhân là vì không có nhà sản xuất nào sẵn sàng sản xuất hàng loạt”.
Tencent PCG cũng bắt đầu tối ưu hóa nhân sự quy mô lớn, với tỷ lệ cắt giảm là 30%. Quản lý cấp trung và cấp cao sẽ áp dụng một hệ thống bổ nhiệm, được ký kết mỗi năm một lần.
Harrow đóng băng hoàn toàn việc bổ sung nhân sự vào năm tới (trừ các dự án riêng lẻ) và những nhân viên không thể mang lại thành tích của họ sẽ bị loại bỏ. Trong tương lai, cần phải tăng tỷ lệ hiệu suất trong thu nhập của nhân viên.
Trụ sở tại Thượng Hải của Ctrip cho nghỉ 30% nhân viên và thưởng cuối năm sẽ được phát vào cuối tháng hai năm tới.
Thần Châu UCAR đã bắt đầu sa thải nhân viên. Bên nhân sự đã trực tiếp đến nhà ga để đọc thông báo sa thải, nhấn mạnh việc chấm dứt hợp đồng đơn phương và nhân viên có thể đến khiếu nại nếu họ không hài lòng.
Guazi ước tính sẽ sa thải 30% nhân viên vào cuối năm và sa thải 50% ở một số bộ phận.
Trung tâm R&D ở Bắc Kinh của Suning đã sa thải công nhân, một số bộ phận đã cắt giảm 70% nhân viên, giải quyết các khiếu nại tại chỗ, chỉ còn lại một đống trang thiết bị kỹ thuật.
Vipkid đã sa thải 15-25% nhân viên của mình. Không có tiền thưởng cuối năm và cuộc họp thường niên trong năm cũng đã bị hủy bỏ.
Ma Honeycomb đã sa thải 40% nhân viên của mình mà không có tiền thưởng cuối năm.
CreditEase đã bắt đầu sa thải nhân viên vào tháng 12. Các cửa hàng của nó nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và công nghệ gia công đã bị cắt giảm ưu tiên, tỉ lệ chung là 25%, năm nay cũng không có thưởng cuối năm.
Waterdrop bắt đầu sa thải nhân viên, bao gồm một số nhân viên mới được tuyển dụng mà không được bồi thường.
Việc điều chỉnh ngày trả lương của Ô tô Weilai đã bị trì hoãn 8 ngày và hàng ngàn nhân viên đã bị cho nghỉ việc.
Cư dân mạng than thở về nỗi buồn cuối năm
Như đã đề cập ở trên, ngành Internet ở Đại lục hiện đang rất ảm đạm và thất nghiệp đã trở thành một chủ đề nóng. “Bạn bị đuổi việc chưa?” đã trở thành một câu đùa để chào hỏi giữa các đồng nghiệp.
Đã đến gần những ngày cuối năm, một số cư dân mạng than thở: “Hôm qua công ty đóng cửa. Thật không dễ tìm việc vào cuối năm. Tôi không dám về nhà trọ. Tôi không muốn làm bố mẹ lo lắng!”.
Một cư dân mạng khác cho biết: “Tôi đã mất việc vào tháng cuối năm 2019, sếp hết tiền và lương của tôi không được trả. Vì hợp đồng chưa bị hủy nên không thể nhận trợ cấp thất nghiệp. Tìm đến trọng tài lao động thì chỉ nhận được một chữ, ‘chờ!’”.
Ngoài ngành công nghiệp Internet, ngành xây dựng cũng rơi vào tình trạng suy thoái. Ông Hoàng 37 tuổi, cựu giám đốc dự án của một công ty xây dựng, nói với VOA rằng, Trung Quốc Đại lục thiếu dữ liệu việc làm và sa thải đáng tin cậy, ngành xây dựng của ông có “tỷ lệ thất nghiệp lên tới 60%”.
“Mọi người đều không có việc làm và nhiều người đang già đi”, ông Hoàng nói. Mọi người phải đón năm mới trong tình trạng thất nghiệp.
Ngay khi nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tuyên bố gần đây rằng, GDP bình quân đầu người “sẽ đạt mức 10.000 đô la Mỹ”, ông Hoàng đang yêu cầu bồi thường thất nghiệp hơn 10.000 nhân dân tệ.
“Bão thất nghiệp” đang bóp nghẹt chính quyền ĐCSTQ
Trên thực tế, kể từ đầu năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã đề cập đến “sáu sự ổn định” trong các hội nghị kinh tế nhiều lần, trong đó “ổn định việc làm” được xếp hạng đầu tiên, cho thấy sự lo ngại của chính quyền với vấn nạn thất nghiệp đang xảy ra trên diện rộng.
Doanh nhân Đài Loan Cao Vi Bang nói rằng: “(ĐCSTQ) không lo lắng về quyền và lợi ích của người thất nghiệp. Nó chi lo sợ rằng những người thất nghiệp này có thể tụ tập để phản đối. Điều này rất nghiêm trọng vì nó mang tính toàn diện”.
Tạ Điền, giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Mỹ tin rằng, các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội của Trung Quốc đang đứng trước tình trạng khẩn cấp. ĐCSTQ rõ ràng rất sợ nhân viên trong quân đội bị thất nghiệp sẽ làm ảnh hưởng đến chính quyền.
Tạ Điền tin rằng: “ĐCSTQ thực sự là một nền kinh tế săn mồi và hút máu. Một nền kinh tế như vậy không thể duy trì lâu được. Những mâu thuẫn trong nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn đến suy thoái kinh tế. Cuộc chiến thương mại đang đổ thêm dầu vào lửa, làm ĐCSTQ mất đi các nguồn tài trợ từ bên ngoài và các cơ hội xuất khẩu để kiếm ngoại hối”.
Tạ Điền phân tích rằng, một khi Trump thắng cử và bước vào nhiệm kỳ thứ hai, các biện pháp trừng phạt kinh tế và trừng phạt thương mại đối với ĐCSTQ chắc chắn sẽ tăng cường. Đối với ĐCSTQ, triển vọng kinh tế sẽ không mấy khả quan và số người thất nghiệp sẽ càng ngày càng gia tăng.
Minh Huy (Theo NTDTV)