Tinh Hoa

Bạo lực Euro 2016: Cảnh sát Pháp vất vả đối phó người biểu tình và hooligan

Trong những ngày qua, hàng chục nghìn người Pháp đã biểu tình phản đối luật lao động, đồng thời ở nước này còn diễn ra các vụ ẩu đả giữa những cổ động viên quá khích tại Euro 2016 khiến lực lượng an ninh rất vất vả.

Cảnh sát chống bạo động Pháp đối diện đám đông phản đối luật lao động mới tại thủ đô Paris ngày 14/6. Theo Sở cảnh sát, khoảng 80.000 đổ về Paris để tham gia biểu tình. (Ảnh: Getty)
Lực lượng an ninh được trang bị vũ khí, áo giáp, khiên chống đạn đã rất nỗ lực để ngăn sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. (Ảnh: Getty)
Cảnh sát Pháp phải làm việc rất vất vả trong suốt cuộc bạo động có quy mô lớn nhất liên quan tới phản đối luật lao động cải cách. (Ảnh: Getty)
Một số người biểu tình quá khích ném bom xăng trên đường phố Paris. Những người khác ném đồ vật về phía cảnh sát. (Ảnh: Getty)
Một người biểu tình bị cảnh sát bắt. (Ảnh: AFP/Getty)
Cảnh sát đỡ một đồng đội bị thương khi làm nhiệm vụ. 29 cảnh sát và 11 người biểu tình bị thương, 58 người bị bắt. (Ảnh: Getty)
3 cảnh sát bị thương ngồi nghỉ phía sau một chiếc xe buýt. (Ảnh: Getty)
Cuộc bạo động với sự tham gia của hàng chục nghìn người diễn ra trong bối cảnh lực lượng an ninh Pháp đang phải căng mình đảm bảo an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất châu lục Euro 2016. Lo sợ trước khả năng các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra trong kỳ Euro, Pháp huy động tới 100.000 cảnh sát và nhân viên an ninh, trong đó có 13.000 đặc nhiệm, nhằm đảm bảo an toàn trong suốt một tháng giải đấu diễn ra. (Ảnh: Getty)
Tuy nhiên, các vụ ẩu đả giữa các hooligan Nga, Anh hay xứ Wales vẫn diễn ra ở nhiều thành phố Pháp, khiến lực lượng an ninh rất vất vả. “Hooligan” là thuật ngữ tiếng Anh ám chỉ những người hay nhóm người thường xuyên có các hành động côn đồ và phá hoại xung quanh các trận thi đấu bóng đá. Trong ảnh, fan hâm mộ tuyển Anh ném chai về phía cảnh sát Pháp tại thành phố Marseille ngày 11/6. (Ảnh: Getty)
Cảnh sát Pháp sẵn sàng đối phó với nhóm cổ động viên Anh trước trận Nga – Anh trên sân Velodrome, thành phố Marseille ngày 11/6. (Ảnh: Getty)
Một cảnh sát xịt hơi cay về phía những người biểu tình quá khích. (Ảnh: Getty)
Cảnh sát chống bạo động Pháp phải phun vòi rồng, xịt hơi cay để giải tán các đám đông. (Ảnh: PA)
Cảnh sát mặc thường phục bắt một “hooligan” Anh. (Ảnh: Getty)
Cảnh sát Pháp được điều động tới hiện trường vụ ẩu đả giữa các cổ động viên Anh, xứ Wales và fan hâm mộ tuyển Nga tại thành phố Lille ngày 14/6. Chính quyền Pháp huy động 4.000 cảnh sát tại thành phố Lille trước các trận đấu tiếp theo của đội tuyển quốc gia Anh và Nga, BBC cho hay. (Ảnh: Getty)
An ninh Pháp triển khai chó nghiệp vụ để tìm các vật liệu nổ suốt một tháng giải đấu diễn ra. Theo chính phủ Pháp, khán giả muốn vào xem các trận bóng trong khuôn khổ Euro 2016 sẽ phải trải qua vòng khám người và kiểm tra giấy tờ tùy thân. Trong khi đó, mỗi đội bóng tham dự Euro sẽ được bảo vệ bởi 17 cảnh sát và 2 mật vụ. Ngoài ra, 2 đơn vị cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Pháp là GIGN và RAID sẽ bảo vệ từ xa để ngăn chặn các âm mưu khủng bố. (Ảnh: Getty)
Lực lượng an ninh được triển khai cả ngày lẫn đêm. Trong ảnh, cảnh sát cùng chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ tại thành phố Marseille đêm 10/6. Hiện tại, Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp, được lập sau chuỗi vụ khủng bố làm 130 người thiệt mạng tháng 11/2015. Dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài tới cuối tháng 7, sau khi Euro 2016 và giải đua xe đạp lừng danh Tour de France kết thúc. (Ảnh: AFP)

Theo Zing