Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo nhận định mạng xã hội quốc tế như Facebook hay công cụ quảng cáo Google là trở ngại, thách thức lớn trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền của báo chí và đang bào mòn doanh thu, nguồn lực báo chí “chính thống”.
Ngày 5/11, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”. Tại diễn đàn, các bên đã đạt được đồng thuận siết chặt việc sao chép, vi phạm bản quyền và “mở đường” cho báo “chính thống” phát triển.
Nhận định về nguyên nhân khiến tình trạng trên tràn lan, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng do tính lịch sử, báo chí trong nước số lượng ít và gần như toàn bộ mang tính bao cấp, cơ quan Nhà nước quản lý. Do đó, quan niệm thông tin trên báo chí là thông tin chung, được quyền chia sẻ lẫn nhau đã hình thành.
Lý do tiếp theo là xu hướng phát triển của công nghệ như loại hình báo điện tử, trang tin điện tử khiến việc sao chép, vi phạm bản quyền gia tăng: “Trong thời gian đầu hoạt động, báo chính thống vẫn có tư tưởng để trang thông tin điện tử dẫn lại nội dung nhằm tăng tương tác. Thời điểm hiện tại, chúng ta mới nhận thức được rõ vấn đề bản quyền nhưng đã có nhiều tờ báo ký hợp đồng với các trang tin đến 20 năm”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.
Bên cạnh đó, vị Thứ trưởng cũng cho rằng bản thân cơ quan báo chí chưa nắm rõ quy định nội bộ ngành. Ông nhấn mạnh cần những giải pháp, phương án cụ thể hơn để siết lại hoạt động của Facebook, Google.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết thêm, riêng năm 2018, các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đã trả cho Google và Facebook 900 triệu USD phục vụ mục đích quảng cáo. Ông chỉ trích cách các công ty này quảng cáo bất chấp nguồn tin: “Khi số lượng trang web không chính thống đua nhau trong việc giành view, giành quảng cáo, cơ hội nào cho những tờ báo chính thống? Trong khi đó, những tờ báo chính thống đang ngày ngày làm việc, chi trả bảo hiểm, tuân thủ pháp luật”, ông Lâm đặt vấn đề.
Cơ quan báo chí sẽ liên minh với Nhà nước
Bàn về giải pháp, Thứ trưởng Bảo cho rằng các cơ quan báo chí cần tự mình cam kết thực hiện nghiêm. Mỗi cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận phát hiện, lưu vết và đối chiếu để gửi lên cơ quan có thẩm quyền khi bị xâm phạm bản quyền tác giả.
Ngoài ra về lâu dài, ông muốn xây dựng một liên minh đóng vai trò thanh tra, kiểm tra vấn đề bản quyền tác giả. Liên minh này ngoài cơ quan báo chí cần có thêm các doanh nghiệp mạng xã hội, công nghệ, quảng cáo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Các cơ quan báo chí cần coi đây là việc quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến đất nước không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chính trị và an ninh. Chúng ta cần bàn cụ thể việc hình thành liên minh và cơ chế hoạt động ra sao”, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông kết luận.
Từ Thức (t/h)