Tinh Hoa

Bản sao địa ngục của trái đất lộ diện

Kính thiên văn không gian Kepler phát hiện một hành tinh dung nham sở hữu kích thước và khối lượng tương tự trái đất nhưng nhiệt độ bề mặt lên tới 2.000 độ C.

Tồn tại cách trái đất 700 năm ánh sáng, Kepler 78b là một trong những hành tinh nhỏ bé nhất mà kính thiên văn không gian Kepler tìm thấy ngoài vũ trụ. Nó quay quanh ngôi sao mang tên Kepler 78 ở khoảng cách cực gần và chỉ cần 8,5 giờ để hoành thành quỹ đạo xung quanh ngôi sao.

Hành tinh dung nham Kepler 78b. Ảnh: Viện công nghệ Massachusetts.

Các nhà khoa học tin rằng, thành phần chính của Kepler 78b là đá và sắt, tương tự như trái đất. Tiến sĩ Josh Winn của Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ cho biết: “Nó giống trái đất về cả khối lượng và kích thước. Tuy nhiên, bề mặt của Kepler 78b nóng hơn bề mặt trái đất, lên tới 2.000 độ C”. Kết cục của Kepler 78b cũng chính là viễn cảnh trái đất trong tương lai rất xa.

Do hành tinh dung nham di chuyển quá gần ngôi sao nên chắc chắn sự sống không thể tồn tại trên đó. Thậm chí, tất cả vật chất trên bề mặt hành tinh này đều tan chảy bởi nhiệt.

“Kepler 78b là một hành tinh dung nham có thể sắp biến mất. Hiện nay giới khoa học chưa thể giải thích tại sao Kepler 78b lại quay gần ngôi sao đến vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định Kepler 78b sẽ không tồn tại mãi mãi”, tiến sĩ Chris Watson của Đại học Queen ở Belfast, Anh cho biết.

Cũng theo tiến sĩ Watson, lực hút của ngôi sao sẽ tàn phá Kepler 78b, khiến nó biến mất dần. Vì quay rất gần ngôi sao nên kích thước của Kepler 78b có thể giảm nhiều với ban đầu.

Hồng Duy

Theo Tri Thức

Theo Zing