Nhiều ý kiến sát với thực tế được các doanh nghiệp tham gia góp ý trong hội thảo về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở và kinh doanh BĐS do Hiệp hội BĐS TP.HCM tổ chức vào sáng 17/7.
Nhập cảnh 1 ngày cũng được mua nhà Một trong những vấn đề pháp lý đang được các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng như nhiều người mua nhà quan tâm hiện nay chính là các quy định cho Việt kiều, người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở trong nước. Tuy Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS năm 2014 vừa có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015, nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể. Điều này đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc tiếp cận với nhóm đối tượng tiềm năng này. Đại diện của Công ty CP xây dựng Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cho biết, trong thời gian qua nhiều khách hàng là người nước ngoài có ý định mua loại hình nhà ở của công ty, nhưng vì chưa có hướng dẫn chi tiết nên chưa thể tư vấn một cách chính xác. Nhiều khách hàng thắc mắc là Visa nhập cảnh vào Việt Nam có thời hạn bao lâu thì được mua nhà? Đối với người mua được nhà thì khi gần hết thời hạn 50 năm, họ chuyển nhượng lại cho người nước ngoài khác thì người sau có được sở hữu với thời gian tương tự như người trước hay không?
Đại diện Sacomreal băn khoăn bởi các quy định về việc mua bán nhà ở với Việt kiều và người nước ngoài thì nên chăng cũng phải có hợp đồng mẫu bằng tiếng Anh để họ đọc và hiểu những điều khoản ràng buộc? Nhiều Việt kiều cho rằng nên đơn giản hóa thủ tục chứng minh họ là người gốc Việt để được mua, sở hữu nhà ở như người trong nước. Trả lời những khúc mắc này, ông Nguyễn Trọng Ninh – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định hướng dẫn đã tiếp thu ý kiến từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao. Theo đó, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ngoài việc mang hộ chiếu Việt Nam còn giá trị thì còn phải có đóng dấu của cơ quan xuất nhập cảnh. Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài, ngoài quy định phải có dấu kiểm chứng nhập cảnh ra thì họ còn phải có giấy tờ chứng minh là người gốc Việt do cơ quan có thẩm quyền cấp. Theo ông Ninh, đến thời điểm này, với điều kiện quy định như trên đối với Việt kiều và người nước ngoài muốn mua nhà ở trong nước được soạn thảo như vậy là tương đối rõ ràng. Về người nước ngoài mua nhà, ông Ninh cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở phần hợp đồng mua bán có nói đến việc lập hợp đồng là do các bên thỏa thuận. Nên nếu hai bên xét thấy cần có một bản hợp đồng bằng tiếng Anh thì tự lập. Cũng theo ông Ninh, Luật Nhà ở quy định người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam thì được phép mua nhà. Điều này được hiểu, những ai nhập cảnh một ngày cũng sẽ được mua nhà. Bao nhiêu kiều bào được sở hữu nhà? Một doanh nhân người Nhật là ông Akio Yoshida chia sẻ, trong các nước khu vực Đông Nam Á ông thấy rất thích khí hậu tại Việt Nam mà nhất là TP.HCM. Sang đây kinh doanh từ khoảng một năm nay nhưng trong tương lai ông Akio Yoshida có dự định sẽ định cư luôn. Theo ông Akio Yoshida đánh giá, hiện nay những người nước ngoài sang Việt Nam làm việc như ông có lượng lớn người có nhu cầu mua nhà để ở hơn là đầu tư. Cá nhân ông rất quan tâm đến loại hình căn hộ nằm trong các dự án có đầy đủ tiện ích đi kèm. Ông Akio Yoshida mong cơ quan nhà nước có thể nới rộng về số lượng trên 30% căn hộ mà người nước ngoài được mua trong cùng một dự án, bởi hiện ở TP.HCM có một số dự án tốt, đáp ứng tiêu chuẩn mà người nước ngoài rất thích. Nhưng hạn chế ở con số 30% như vậy sẽ làm cho nhiều người có nhu cầu không mua được.
Góp thêm vào ý kiến này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết Nhà nước nên giao số lượng nhà bán cho người nước ngoài để địa phương quản lý sẽ phù hợp hơn. Ông Châu lý giải, tại TP.HCM có nhiều phương tập trung người nước ngoài sinh sống như Phường Tân Hưng, Tân Phong (Quận 7), Phường Bến Nghé, Bến Thành (Quận 1) hay Phường Thảo Điền (Quận 2)… nếu quy định cứng nhắc thì một bộ phận người nước ngoài sống tại đây không có cơ hội. Ông Trần Hòa Phương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM nêu vấn đề là đến thời điểm này chưa có cơ quan nào thống kê được đã có bao nhiêu kiều bào được sở hữu nhà ở trong nước. Cần thiết phải có kênh thông tin nói đến điều này, vì thông qua đó họ có cái nhìn thực tế hơn về các chính sách của Nhà nước ban hành mang lại thuận lợi cho bà con kiều bào đến đâu. “Với những chính sách có phần thông thoáng hơn trong Luật Nhà ở năm 2014, tôi hi vọng ngày càng nhiều bà con kiều bào trở về và ngày càng nhiều người được sở hữu chính căn nhà của mình trên mảnh đất quê hương”, ông Phương mong muốn. Phương Anh Linh |
Theo Infonet