Khi nói về Pháp Luân Công, có bốn điểm mấu chốt để vạch rõ ĐCSTQ sẽ đi xa đến đâu trong quyết tâm tiêu diệt những đối tượng được coi là kẻ thù của họ.
Trước khi đọc tờ báo này, có thể bạn đã biết về Pháp Luân Công như một nhóm những người tập thiền đang bị tống giam và tra tấn ở Trung Quốc. Tất nhiên điều đó là đúng. Nhưng nếu không nắm rõ được bốn điểm mấu chốt, sẽ thật khó để lường hết được những dối trá, mánh khóe, và bạo lực mà các quan chức của ĐCSTQ đã sử dụng trong nỗ lực tiêu diệt nhóm người ôn hòa này.
Cho dù bạn là người hoàn toàn chưa biết câu chuyện về Pháp Luân Công hay bạn là người đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về Trung Quốc, rất có thể tại một thời điểm nào đó bạn đã tiếp xúc với một hay nhiều hơn trong số bốn điểm này. Chúng tôi xin đưa ra những chi tiết này để giúp bạn không bị lạc lối trong thế giới phức tạp và rối rắm của những tuyên truyền và che đậy của ĐCSTQ.
Dàn dựng tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn
Ngày 23 tháng 01 năm 2001, năm người được cho là đã phóng hỏa tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, các phương tiện truyền thông của chính phủ đã tuyên bố rằng những người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công.
Trong những ngày sau đó, các phương tiện truyền thông đã phát lại thước phim rùng rợn quay cảnh nạn nhân tự thiêu và đổ lỗi cho Pháp Luân Công đã gây ra thảm họa này. Vấn đề ở đây là có rất nhiều chứng cứ chỉ ra rằng toàn bộ sự việc này là một màn dàn dựng tuyên truyền tinh vi để đổ tội cho Pháp Luân Công.
Một số điểm đáng nghi vấn
Pháp Luân Công đặc biệt nghiêm cấm việc sát sinh – bao gồm cả tự sát – như vậy rất ít khả năng người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công. Trích dẫn lời của những người tự thiêu trong chương trình truyền hình nhà nước, trên thực tế, không đúng với những bài giảng của Pháp Luân Công.
Vậy lý do gì khiến ĐCSTQ phải dàn dựng sự việc một cách tinh vi như vậy?
Với 100 triệu người theo tập, Pháp Luân Công, trước năm 1999, là một cái tên được mọi người tôn trọng, vì vậy đã khiến cho nhiều người Trung Quốc phải do dự khi nghĩ đến việc ủng hộ ĐCSTQ bức hại nhóm người này.
Bằng cách dàn dựng vụ “tự thiêu” và liên tục phát sóng lại thước phim đó trên các kênh truyền thông của nhà nước, ĐCSTQ đã khiến nhiều người Trung Quốc, vốn trước đây có thiện cảm với Pháp Luân Công, giờ lại nghĩ rằng các học viên là những người mất trí, hay thậm chí nguy hiểm. Hệ quả của việc này là đã tạo điều kiện cho ĐCSTQ bắt cóc các học viên, đưa họ đến các trại tẩy não và tra tấn họ.
Nếu bạn đọc muốn tận mắt chứng kiến, hãy vào xem video tại địa chỉ sau http://goo.gl/GmVwh
Thỉnh nguyện ôn hòa lại bị
đổ lỗi để lấy lý do đàn áp
Vào ngày 25 tháng 04 năm 1999, khoảng 10 đến 20 nghìn người dân Trung Quốc, cả già lẫn trẻ, đã tập trung từ sáng sớm ở Bắc Kinh. Tất cả đều là học viên Pháp Luân Công.
Họ tới Văn phòng Kháng cáo Trung ương để yêu cầu Chính phủ dừng leo thang việc đàn áp và đe dọa các học viên – bao gồm việc đánh đập và bắt bớ hơn 40 người xảy ra ngày hôm trước ở thành phố Thiên Tân gần đó – và cho phép họ tự do tập luyện mà không bị đe dọa.
Những người tham gia đã đứng xếp hàng một cách trật tự. Có người ngồi thiền, những người khác thì nói chuyện nhỏ nhẹ.
Đó là một cuộc thỉnh nguyện có quy mô lớn nhất và ôn hòa nhất ở Bắc Kinh trong nhiều năm trở lại đây. Thủ tướng Trung Quốc đã đứng ra gặp mặt những người đại diện của Pháp Luân Công. Buổi tối hôm đó, kiến nghị đưa ra đã được đáp ứng, và đám đông đã ra về.
Vấn đề là ở chỗ Chủ tịch Giang Trạch Dân, lúc đó là người đứng đầu ĐCSTQ, lại có kế hoạch khác. Không lâu sau đó, ông đã ra lệnh thành lập Phòng 6-10 (đặt tên theo ngày thành lập mùng 10 tháng 06) – một cơ quan an ninh đặc biệt của Đảng có nhiệm vụ giám sát việc tiêu diệt Pháp Luân Công. Những ngày sau đó, chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên diện rộng đã bắt đầu.
Khi bộ máy tuyên truyền của các phương tiện truyền thông nhà nước được triển khai toàn diện, sự kiện ngày 25 tháng 04 đã nhanh chóng bị bóp méo. Không còn là một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa như nó đã diễn ra nữa, mà người ta mô tả lại nó thành Pháp Luân Công đang “bao vây” khu vực tòa nhà của chính quyền trung ương. Sự mô tả này đã được sử dụng để dựng lên hình ảnh Pháp Luân Công như một nhóm người đấu tranh chính trị, và để bao biện cho cuộc đàn áp tồi tệ vừa được triển khai.
Việc chụp mũ và “đổ tội cho nạn nhân” của cuộc đàn áp này còn vượt qua cả biên giới Trung Quốc, và đưa ra một số báo cáo về Pháp Luân Công. Nhưng sự thật là, cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở đằng sau hậu trường đã khởi xướng từ năm 1996, và chiến dịch đàn áp trên diện rộng đã được dự kiến triển khai cho dù sự kiện này có xảy ra hay không. Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 04 đã ngay lập tức trở thành “con dê tế thần.” Nó chắc chắn không phải là nguyên nhân.
Bịa đặt để buộc tội Pháp Luân Công đã gây ra cái chết của 1.400 người
Trong suốt những năm của thập kỷ 90, hàng triệu người đã bắt đầu tập Pháp Luân Công, trong khi những lợi ích sức khỏe được truyền miệng từ người này qua người khác (xem trang 6, “Khẳng định là tốt”). Các cơ quan nhà nước, bao gồm cả các phương tiện truyền thông nhà nước và Ủy ban Thể thao Quốc gia, đã giúp môn tập luyện này phát triển bằng cách quảng bá những hiệu quả đem lại về mặt sức khỏe và hệ quả là việc tiết kiệm chi phí y tế.
Vì vậy, khi ĐCSTQ phát động chiến dịch chống lại Pháp Luân Công vào năm 1999, có rất nhiều điều cần phải làm rõ. ĐCSTQ đã phải đối mặt với việc phải biện hộ cho nỗ lực ngăn cản người dân tiếp cận với một môn tập có lợi cho sức khỏe mà đã có rất nhiều người được hưởng lợi từ nó. Ngoài ra Đảng còn phải mất công lật ngược lại thứ mà trước đây nó đã từng tán thành.
Để đạt được điều này, ĐCSTQ đột ngột tuyên bố rằng Pháp Luân Công đã “dẫn đến cái chết của 1.400 người” theo học. Các phương tiện truyền thông nhà nước đã công bố rộng rãi khắp mọi nơi những ca tử vong bị cho là vì lý do này, sử dụng những hình ảnh sinh động và đầy xúc cảm. Lập luận chủ yếu trong tuyên bố này là Pháp Luân Công cấm các học viên uống thuốc và vì vậy dẫn đến việc tử vong một cách không đáng có.
Ngoài điểm đáng nghi vấn về thời điểm mà chính phủ thay đổi hoàn toàn thái độ của mình, thì những tuyên bố này bộc lộ một điểm yếu là ĐCSTQ chưa bao giờ cung cấp những bằng chứng xác đáng cho những tuyên bố này. ĐCSTQ cũng đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực từ bên thứ ba trong việc điều tra làm rõ. Trong khi đó, không một ca “tử vong” nào như vậy từng xảy ra ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc tại hơn 70 quốc gia mà Pháp Luân Công được phép tập luyện tự do.
Quan trọng hơn là, những người đã tiến hành điều tra một số trường hợp cụ thể phát hiện ra rằng chúng đều là những thông tin bị thêu dệt. Một ví dụ điển hình là trường hợp của cô Trương (Zhang Zhiwen) ở tỉnh Sơn Tây. Vào tháng 11 năm 1999, một tờ báo địa phương thuật lại rằng cô Trương đã thiêu đứa con gái sáu tháng tuổi của cô và sau đó tự tử để phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Bài báo đã được đăng lại trên khắp toàn quốc. Vài tháng sau đó, một cuộc điều tra đã chỉ ra rằng câu chuyện đó hoàn toàn là bịa đặt. Trên thực tế, cô Trương không hề tồn tại.
Các bác sĩ Trung Quốc thừa nhận việc mổ cướp nội tạng
Có thể không có bằng chứng giết người nào mà bài báo này đưa ra có tác dụng bằng sự thừa nhận của chính những bác sĩ ở các bệnh viện Trung Quốc. Sau đây là bản ghi lại cuộc hội thoại đã được ghi âm bởi những người tiến hành nghiên cứu bí mật.
Ngày 08 tháng 06 năm 2006: Trại giam thành phố Mễ Sơn (Mishan), tỉnh Hắc Long Giang
Người gọi: Ông có nguồn cung cấp [tạng] Pháp Luân Công không?…
Ông Lý: Có, chúng tôi đã từng có.
Người gọi: …thế còn hiện tại?
Ông Lý: …..có…..
Người gọi: Giá cả như thế nào?
Ông Lý: Chúng ta sẽ bàn bạc khi ông tới đây….
Người gọi: Ông có bao nhiêu [nguồn cung cấp Pháp Luân Công] dưới 40 tuổi?
Ông Lý: Có khá nhiều…
Người gọi: Họ là nam hay nữ?
Ông Lý: Nam…
Người gọi: Vậy thì… những [tù nhân] Pháp Luân Công nam này, ông có bao nhiêu?
Ông Lý: Bảy, tám người. Hiện tại chúng tôi có ít nhất năm hay sáu người.
Ngày 16 tháng 03 năm 2006:
Trung tâm cấy ghép gan thuộc Bệnh viện Trường Đại học Giao Thông Thượng Hải
Người gọi: Tôi muốn biết [bệnh nhân] sẽ phải đợi bao lâu [để được ghép gan].
Bác sĩ Đại: Nguồn nội tạng mà chúng tôi có, chúng tôi có hàng ngày. Chúng tôi thực hiện hàng ngày
Người gọi: Chúng tôi muốn hàng còn sống.
Bác sĩ Đại: Họ đều còn sống, đều còn sống cả…
Người gọi: Các ông đã thực hiện được bao nhiêu [ca ghép gan] rồi?
Bác sĩ Đại: Chúng tôi đã thực hiện được 400 đến 500… Việc của ông là tới đây, và mang theo tiền.
Người gọi: Giá cả như thế nào?
Bác sĩ Đại: Nếu mọi việc suôn sẻ, thì mất khoảng 150.000 tệ… 200.000 tệ.
Người gọi: Chúng tôi phải đợi bao lâu?
Bác sĩ Đại: Tôi phải kiểm tra mẫu máu… Nếu ông tới hôm nay, tôi có thể làm được cho ông trong vòng một tuần.
Người gọi: Tôi nghe nói một số tạng được lấy từ các học viên Pháp Luân Công, những tạng đó đều rất khỏe mạnh.
Bác sĩ Đại: Có, chúng tôi có loại đó. Nhưng tôi không thể nói qua điện thoại được.
Mổ cướp tạng từ những tù nhân lương tâm là học viên Pháp Luân Công
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho câu chuyện ghê rợn về việc giết người và cướp tạng ở Trung Quốc. Những báo cáo từ nhiều nhân chứng và các bác sĩ Trung Quốc đã tiết lộ rằng hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy tạng, những tạng này được bán và phục vụ cho việc cấy ghép siêu lợi nhuận.
Thủ phạm chính là các viên chức của ĐCSTQ, họ thông đồng với các bác sĩ phẫu thuật, những người quản lý trại giam, và các quan chức quân đội.
Các nạn nhân bị giam giữ trong các trại tập trung trước khi bị mổ cướp nội tạng, sau đó cơ thể của các nạn nhân đều bị thiêu hủy ngay lập tức.
Câu chuyện này, mặc dù tàn nhẫn đến mức khó tin, đã được đưa ra ánh sáng lần đầu tiên vào tháng 03 năm 2006 khi một người phụ nữ khẳng định rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị giết ở bệnh viện nơi bà từng làm việc. Người phụ nữ này cũng nói rằng chồng của bà, một bác sĩ phẫu thuật cũng làm việc trong bệnh viện ở ngoại ô thành phố ở phía Đông Bắc thành phố Thẩm Dương, đã tiết lộ cho bà biết rằng ông đã mổ lấy giác mạc từ cơ thể của hơn 2.000 học viên Pháp Luân Công còn sống.
Một tuần sau đó, một bác sĩ quân y Trung Quốc đã không những chứng thực lời nói của người phụ nữ này mà còn khẳng định rằng hành động tàn bạo đó còn diễn ra ở 36 trại tập trung khác nhau trên khắp cả nước. Ông nói rằng bản thân ông cũng đã chứng kiến các học viên Pháp Luân Công bị vận chuyển với số lượng lớn trong những toa tàu chở gia súc, việc này diễn ra vào buổi tối dưới sự giám sát an ninh nghiêm ngặt.
Những người ủng hộ Pháp Luân Công và những nhà hoạt động nhân quyền ở nước ngoài ngay lập tức đã bắt tay vào điều tra việc này. Họ đã gọi điện đến các bệnh viện ở Trung Quốc, giả làm người đang tìm mua một quả thận hay một lá gan. Họ đã kinh sợ khi nghe thấy các bác sĩ lần lượt xác nhận một cách công khai: Chúng tôi có Pháp Luân Công ở trong kho; họ vừa mới đến và chúng tôi có thể lấy nội tạng của họ cho các ông trong vòng một tuần.
Sửng sốt vì những báo cáo này, hai luật sư nổi tiếng người Canada cũng đã tiến hành điều tra một cách độc lập. Tháng 07 năm 2006, nguyên Quốc Vụ Khanh phụ trách châu Á Thái Bình Dương David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã công bố một bản báo cáo dài 140 trang. Bản báo cáo đã đưa ra “kết luận thật đáng tiếc rằng những lời buộc tội là sự thật.”
Nhà báo tự do người Mỹ Ethan Gutmann cũng nhanh chóng có cùng kết luận sau khi tự tiến hành điều tra. Cả hai cuộc điều tra đều kết luận rằng có khoảng từ 40.000 đến 65.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết bằng phương thức này từ năm 2000 – 2006.
Vậy việc mổ cắp nội tạng diễn ra như thế nào? Vào thời điểm năm 2000, các viên chức nhà tù và bác sĩ đã bắt đầu thông đồng với nhau để tiến hành xét nghiệm y khoa một cách có hệ thống đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ – những xét nghiệm này, một cách đáng ngờ, đều bỏ qua những vết thương và chỉ kiểm tra tình trạng của những cơ quan nội tạng thiết yếu. Sau đó, khi có bệnh nhân cần tạng, họ sẽ tìm đến người học viên có tạng phù hợp, giết người học viên đó, và lấy tạng để phục vụ cho cuộc phẫu thuật cấy ghép.
Trên thực tế, một trang web Trung Quốc đã “khoe” rằng họ có thể cung cấp tạng phù hợp trong vòng 1 – 4 tuần, một khoảng thời gian mà các chuyên gia về y khoa cho là bất khả thi trừ khi các bệnh viên Trung Quốc có sẵn một số lượng lớn những người chấp nhận “hiến” tạng.
Kể từ khi lời buộc tội về mổ cướp tạng lần đầu tiên xuất hiện, các viên chức của ĐCSTQ đã tìm cách hủy những chứng cứ, và phủ nhận lời buộc tội. Họ cũng đã ngăn chặn những cuộc điều tra kể cả sau khi Ủy ban Liên hợp quốc về Chống Tra tấn đã yêu cầu làm rõ chi tiết về nguồn tạng. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về việc hành động này còn tiếp diễn hay không.
Theo ông David Matas, một trong những điều tra viên người Canada đã nói, việc mổ cướp tạng sống từ tù nhân lương tâm là một “kiểu tội ác mà chúng ta chưa từng được chứng kiến trên Trái Đất này.” Việc này đã đưa mức độ tàn bạo mà chế độ ở Trung Quốc đã thi hành lên một cấp độ mới. Hơn nữa, trong bối cảnh ngành công nghiệp cấy ghép của Trung Quốc có liên quan nhiều với quốc tế như vậy – từ việc đào tạo bác sĩ đến việc chấp nhận bệnh nhân người nước ngoài để phục vụ cho hợp tác nghiên cứu – thì ảnh hưởng của tình trạng này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc.
Vì lý do này, nhiều chính phủ các nước và cơ quan quốc tế đã hành động sau khi biết về lời buộc tội và những bằng chứng này. Vào đầu năm 2007, các hãng bảo hiểm của Israel đã dừng việc đưa bệnh nhân đến Trung Quốc để cấy ghép. Vào tháng 06 năm 2011, biểu mẫu nhập cư của Hoa Kỳ (DS-160) đã có thêm câu hỏi sau, áp dụng với Trung Quốc và những nước khác: “Bạn đã bao giờ trực tiếp có liên quan tới việc cưỡng bức cấy ghép tạng hay tế bào của cơ thể người chưa?”
Theo Minh Huệ Net