Hôm nay 24/4, bản kiến nghị kêu gọi Tổng giám đốc của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức đã cán mốc 1 triệu chữ ký.
Theo đó, bản kiến nghị này được tạo trên trang change.org từ ngày 31/1. Đến 16h ngày hôm nay (24/4, giờ Việt Nam) đã thu thập được 1 triệu chữ ký để kêu gọi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức Tổng giám đốc của WHO. Nguyên nhân trực tiếp của đề xướng này là do những sai lầm nghi ngờ xuất phát từ mục đích chính trị của ông Tedros và WHO trong việc ứng phó với đại dịch Vũ Hán.
Trước đó ngày 14/1, WHO viết trên Twitter: “Những điều tra cơ bản do chính quyền Trung Quốc thực hiện đã cho thấy rằng không có bằng chứng rõ ràng về việc virus corona chủng mới (virus Vũ Hán- Covid-19) được xác nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc có thể truyền từ người sang người”, mặc dù Đài Loan đã cảnh báo WHO về khả năng này vào ngày 31/12.
Tuyên bố này được chứng minh sai lầm vì chỉ một ngày sau, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên là một người trở về Mỹ sau khi di trú tới Vũ Hán. Đến ngày 20/1, tổ chức này mới chính thức xác nhận khả năng này nhưng từ chối công nhận rằng cúm Vũ Hán là đại dịch toàn cầu.
Chính sự chậm trễ này của WHO đã gián tiếp thúc đẩy việc 7 triệu người Vũ Hán rời thành phố trước ngày 22/1, gây ra sự bùng nổ dịch bệnh ở châu Âu và thế giới sau đó. Thế nhưng ngày 30/1, ông Tedros lại ca ngợi cách xử lý đại dịch của Trung Quốc và khuyến khích thế giới học theo. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về mục đích chính trị của giám đốc WHO.
Ngày 8/4, Daily Mail đăng tải bài viết có tiêu đề: “Làm thế nào mà một người, theo nhận định của ông Trump là một tay chính trị gia cộng sản, trở thành lãnh đạo không phải là bác sĩ đầu tiên của WHO nhờ ‘vận động hành lang của Bắc Kinh’”, đã phân tích rõ mối quan hệ mờ ám giữa Tedros và chính quyền Trung Quốc.
Bài báo cũng chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa giám đốc WHO và Đảng Cộng sản TPLF cực tả ở Ethiopia. Khi ông này đắc cử năm 2017 đã vấp phải sự phản đối từ những cộng đồng dân tộc trong nước bị áp bức dưới thời TPLF nắm quyền.
Theo Tôn Vận, cây bút của tạp chí Epoch Times có đưa ra lập luận về lý do cá nhân ông này phục tùng Bắc Kinh: “ĐCSTQ đã giúp ông Tedros Adhanom có thể ngồi ở vị trí này. Với tư cách là Tổng giám đốc của WHO, vừa có danh vừa có lợi, ngoài mức lương hàng năm là 240.000 USD còn có thể được bay khắp thế giới mà không phải bỏ tiền túi, gặp gỡ nguyên thủ các nước và tận hưởng đãi ngộ của một quốc khách”.
Trong đơn kiến nghị kêu gọi ông Tedros từ chức có nêu:
“Rất nhiều người trong chúng tôi thực sự thất vọng về WHO. Dẫu muốn tin WHO đứng trung lập về chính trị, nhưng xét thấy tổ chức này không mở bất kỳ cuộc điều tra nào. Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ biết tin vào số lượng người chết và người bị nhiễm bệnh do chính phủ Trung Quốc cung cấp.”
Chính vì những vấn đề trên, đến ngày 10/2, sau 10 ngày bắt đầu kêu gọi đã có ít nhất 350 nghìn người ký vào bản kiến nghị.
Ngoài ra, trong nội dung thư cũng có đề cập về việc WHO loại Đài Loan:
“Mặt khác chúng tôi không muốn Đài Loan bị loại khỏi WHO vì bất kỳ lý do chính trị nào. Các công nghệ của họ trong việc đối phó với bệnh dịch tiên tiến hơn nhiều so với một số quốc gia trong danh sách WHO đã chọn”.
Tháng 3/2020, một phóng viên đã phỏng vấn ông Bruce Aylward là lãnh đạo Phái đoàn chung của WHO và Trung Quốc về dịch Vũ Hán. Cô này đã đặt câu hỏi về việc WHO có định xem xét lại việc từ chối Đài Loan sau những thành công trong phòng chống dịch bệnh này hay không. Sau 10 giây im lặng, ông này lúng túng nói:
“Tôi xin lỗi, tôi không nghe rõ câu hỏi của cô, Yvonne”.
“Cho phép tôi nhắc lại câu hỏi”, Yvonne nói.
“Không, không cần. Hãy chuyển sang một câu hỏi khác vậy”.
Nữ phóng viên tiếp tục đào sâu vấn đề thì Aylward ngắt kết nối. Sau cùng cô này gọi lại và thay đổi cách tiếp cận: “Tôi chỉ muốn hỏi xem liệu ông có thể bình luận một chút về cách Đài Loan đã làm cho đến nay để ngăn chặn virus hay không”.
Ông Aylward đáp:
“À, chúng ta đã nói về Trung Quốc, và chị biết đấy, nếu chúng ta nhìn qua tất cả các khu vực khác nhau của Trung Quốc, họ đều thực sự đã làm rất tốt”.
Bản kiến nghị này là biểu hiện xã hội cho thấy những bước tiến sâu hơn trong tiến trình buộc Tổng Giám đốc WHO đương nhiệm phải từ chức. Tổng thống Trump mới đây đã quyết định ngừng tài trợ cho WHO, tuy nhiên đằng sau WHO là một tổ chức nhiều mưu tính hơn mà chính quyền Trump cần phải có những quyết sách thật sự tỉnh táo.
Từ Thức (t/h)