Có phân tích chỉ ra, chính bản chất “ác đấu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quyết định lập trường cứng rắn quyết không nhượng bộ của nó, và đặc điểm này đang khiến ĐCSTQ rơi vào trong khủng hoảng.
Bước vào tháng 8, phong trào phản đối “Luật dẫn độ” đòi quyền dân chủ của người dân Hồng Kông không ngừng bị Trung Quốc trấn áp, tình hình ở Hồng Kông vẫn đang ở trong thế giằng co giữa hai bên.
Trưởng đặc khu Hồng Kông bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã lên tiếng đe dọa rằng Chính phủ Hồng Kông sẽ không nhượng bộ trước yêu cầu của người biểu tình.
Ông Trần Lập Đinh – phó ủy viên chính trị quân đội ĐCSTQ có trụ sở tại Hồng Kông cũng tuyên bố sẽ đàn áp “các thế lực chia rẽ”: “Đối với tình hình của Hồng Kông chính quyền trung ương không thể ngồi yên không lo”.
Đối với cuộc biểu tình phản đối chính phủ lan rộng khắp Hồng Kông trong 10 tuần qua, ông Trần Khuê Đức, nhà xuất bản và tổng biên tập của tạp chí trực tuyến “Tổng quan về Trung Quốc” (Chinai In Perspective) có vài lời chia sẻ với thời báo Epoch Times.
Ông nói rằng, mục tiêu quan trọng và cơ bản nhất trong phong trào phản đối “Luật dẫn độ” của người Hồng Kông vẫn là chính quyền Bắc Kinh. ĐCSTQ cảm thấy nếu họ đưa ra nhượng bộ, đồng ý với 5 yêu cầu mà người dân Hồng Kông đưa ra, đó không chỉ là vấn đề mất mặt mà thôi.
“Điều quan trọng là vấn đề này động chạm đến tâm bệnh lớn nhất liên quan đến sự thống trị của ĐCSTQ, đó là sự lo lắng về tính hợp pháp”. Ông Trần Khuê Đức nói rằng nếu Hồng Kông thật sự có quyền bầu cử phổ quát trong phạm vi cai quản của ĐCSTQ, “lâu dần điều này ắt sẽ dẫn đến một loạt các phản ứng dây chuyền ở Trung Quốc. Đây là nguyên nhân căn bản nhất trong việc ĐCSTQ quyết không nhượng bộ”.
“ĐCSTQ có một đặc điểm, chính là dẫu có chết cũng không chịu ngồi lại thương lượng”, ông Trịnh Hạo Xương, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với Thời báo Epoch Times. Đặc biệt là đối với dân chúng Hồng Kông vốn thuộc về bên yếu thế trong phong trào phản đối ‘Luật dẫn độ’ này thì chuyện đàm phán càng không nằm trong mục lựa chọn của ĐCSTQ.
“Trong từ điển sinh tồn của ĐCSTQ chỉ có hai từ: dối trá và trấn áp. Ở Trung Quốc, những người dân Hồng Kông kháng nghị hòa bình đòi quyền dân chủ bị tuyên truyền thành những kẻ bạo loạn, phần tử chia rẽ, không ngừng ra sức trấn áp với các cuộc biểu tình vẫn đang leo thang và tiếp diễn ở Hồng Kông”, ông Trịnh Hạo Xương nói.
Kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối “Luật dẫn độ” bắt đầu vào ngày 9/6, ĐCSTQ chưa bao giờ xem xét việc đáp ứng yêu cầu của người dân Hồng Kông hoặc chân thành muốn giải quyết vấn đề, thay vào đó là không ngừng “thêm dầu vào lửa”, thông qua cảnh sát mặc thường phục hoặc thế lực xã hội đen mà trấn áp đẫm máu người dân.
“Trù tính của ĐCSTQ trước nay luôn luôn rõ ràng, chính là kiên quyết không thay đổi, không nhượng bộ, đổ ít máu, sử dụng thời gian để hao mòn niềm tin của người dân”, ông Hồ Bình, tổng biên tập tờ “Mùa xuân Bắc Kinh” (Beijing Spring), nói với trang Epoch Times rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục duy trì quyền thống trị độc tài.
“Nó sẽ không có ý muốn đàm phán, thay vào đó sẽ tiếp tục bắt giữ người dân, gia tăng áp lực tạo nên ảnh hưởng tiêu cực lên người dân thành phố, lấy cái gọi là ngăn chặn ‘bạo loạn’ để đạt được mục đích tăng cường kiểm soát của nó”, ông Hồ Bình bày tỏ.
Ông Trần Khuê Đức nhận định, cách làm của ĐCSTQ đẩy nó rơi vào cuộc khủng hoảng to lớn: “ĐCSTQ vốn không coi việc chuyển giao quyền lực chính trị là một điều hết sức bình thường như chính phủ các nước dân chủ phương Tây.
Nó xem quyền lực chính trị giống như mạng sống vậy, nó xem việc xuống đài thành như vấn đề sinh tử tồn vong, là điều không thể chịu đựng được và đây là điều mà nó lo lắng hàng ngày, vì vậy nó sẽ viện đến những thủ đoạn hết sức cực đoan”.
Ông Trịnh Hạo Xương nói rằng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ĐCSTQ lại có biểu hiện khác: “ĐCSTQ khi đứng trước một đối thủ mà nó cho là mạnh mẽ, nó sẽ tiến hành các cuộc đàm phán”.
Trong lịch sử của ĐCSTQ, các cuộc đàm phán như vậy đã xảy ra một lần trong cuộc đàm phán Trùng Khánh sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Nhật, một lần khác là lúc Trung Quốc gia nhập WTO.
“Nhưng cả hai lần, ĐCSTQ đều đưa ra những lời hứa suông và trên thực tế nó vốn không thực hiện chúng. Cũng chính là nói, ngay cả khi nó chịu ngồi vào bàn đàm phán với số lần hiếm hoi, thì cũng không có bất cứ tiền lệ nhượng bộ thực chất nào.
Bây giờ các cuộc đàm phán được mở ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tính cho đến nay, Bắc Kinh đã không nhượng bộ về cơ cấu, thậm chí còn lật bàn giữa chừng”, ông Trịnh Hạo Xương nói.
Ông Trump mới đây lại tuyên bố sẽ áp đặt một đợt thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Các giới quan sát bên ngoài chỉ ra rằng điều này phản ánh sự thất vọng của Tổng thống Trump về việc thiếu tiến triển trong các cuộc đàm phán.
Sau đó, ĐCSTQ đã phá giá đồng Nhân dân tệ và tuyên bố sẽ ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, khiến Hoa Kỳ phải lên án ĐCSTQ là “quốc gia thao túng tiền tệ”, đàm phán thương mại lần nữa lại rơi vào bế tắc, hy vọng đạt được thỏa thuận hiệp định thương mại càng thêm mỏng manh.
Ông Hồ Bình chia sẻ, biểu hiện của ĐCSTQ đã khiến nó phải đối mặt với hai vấn đề nan giải: “Nếu nó nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại, đó không chỉ là vấn đề mất mặt, mà còn gây ra vấn đề khủng hoảng nội bộ.
Còn như nó không nhượng bộ, lấy đá chọi với đá sẽ khiến Hoa Kỳ không ngừng leo thang thương chiến, từ đó khiến cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ lan rộng từ xung đột thương mại sang các khía cạnh khác như chiến tranh tiền tệ, Đài Loan, Hồng Kông và vấn đề Biển Đông, sẽ tạo thành khủng hoảng với việc bành trướng của ĐCSTQ”.
“Nhưng khủng hoảng này liệu có kết thúc ở vòng này, hiện giờ mọi người vẫn đang quan sát, nhưng nó thực sự sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn cho ĐCSTQ”, ông Hồ Bình chia sẻ.
Thiện Ân (Theo Epoch Times)