Tinh Hoa

Bài toán thi cuối kỳ của học sinh lớp 3: Tiến sĩ cũng… chịu thua

Một độc giả đã đăng lên mạng một bài toán hóc búa dành cho học sinh lớp 3, điều đặc biệt là độ khó của nó không chỉ làm khó các em học sinh mà cả tiến sĩ cũng phải chịu thua.

Đây là tựa đề của bài toán, lấy từ bộ đề ôn thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đề bài như sau: “Điền các số từ 1 đến 9 vào ô trống để được kết quả đã cho”.

Bài toán này khó ngay cả với những người lớn giỏi toán, vì vậy sẽ rất khó cho học sinh lớp 3 và còn khó hơn đối với học sinh ở vùng cao”, thầy giáo Trần Phương là phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng nhận xét.

Thầy cho rằng, bài toán có 362.880 khả năng điền số, nhưng chỉ một đáp án đúng. Với người lớn khả năng tư duy và lập luận logic thì sau khi loại trừ cũng phải thử vài chục trường hợp mới có thể tìm ra đáp số duy nhất.

Tôi đã gửi bài toán cho một số người, trong đó có cả tiến sĩ kinh tế có xuất phát từ Toán học, nhưng họ chưa đưa ra được lời giải“, thầy Phương cho hay.

Đây là một trong rất nhiều bài toán khó dành cho học sinh phổ thông tại Việt Nam, một đất nước có nền giáo dục được đánh giá là nặng nề và máy móc. Thiết nghĩ sách giáo khoa của Việt Nam cần có thêm những nội dung mang tính giải trí, nhân văn và mang tính thực tiễn hơn nữa thay vì bắt học sinh giải những bài toán “siêu khó” như bài toán trên.

Sự thật là đa phần trẻ em đến trường không phải đều trở thành nhà khoa học. Do đó những bài toán mang tính “thách đố” như thế này sẽ làm trí óc của các em bị “stress” và ức chế khả năng sáng tạo của các em trong các môn học khác. Để kích thích tư duy các em phát triển, nhà trường cần tạo điều kiện cho các em tiếp cận những bài học vừa sức với chúng và giảm tải những nội dung nặng nề và mang tính “thách đố”. Chúng ta nên để các em nhỏ có thêm thời gian để chúng sống với lứa tuổi của mình, đó cũng là điều kiện cần thiết để các em phát triển tư duy cũng như các kỹ năng khác trong cuộc sống.

Thiên Ân