Tinh Hoa

Bài toán lớp 3 gây xôn xao: “Không có ý nghĩa về mặt giáo dục”

Dư luận đang xôn xao về bài toán của một học sinh lớp 3 ở Lâm Đồng được giáo viên giao về nhà. Bài toán là một thách đố không chỉ với học sinh mà với cả những người có trình độ cao. Sức “nóng” về độ khó của bài toán đã lan cả sang báo chí nước Anh và cộng đồng mạng trong, ngoài nước.

Bài toán lớp ba gây xôn xao dư luận. (Nguồn: Vnexpress)

Không có ý nghĩa giáo dục

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, phó giáo sư toán học Văn Như Cương cho rằng, mặc dù đây không phải đề thi mà chỉ là bài tập về nhà, nhưng là quá khó với trình độ của học sinh lớp 3.

[Lời giải cho bài toán lớp 3 Việt Nam khiến phương Tây đau đầu]

“Nhiều ý kiến cho rằng bài toán chỉ gồm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, nghĩa là trong phạm vi kiến thức lớp 3, nhưng nói như thế là không thỏa đáng vì nhiều bài toán thi Olympic quốc tế cũng chỉ gồm cộng, trừ, nhân, chia. Độ khó của bài toán không phải chỉ đơn thuần phụ thuộc các phép tính bên trong nó,” ông Cương nói.

Phân tích cụ thể hơn, ông Cương cho biết bài toán có quá nhiều ẩn số, quá nhiều phép tính liên tục và cũng chưa rõ ràng lắm như việc các số có được trùng lặp không?

“Tôi đọc nhưng bận nên không thử làm vì thấy nó quá rắc rối. Bài toán có thể có nhiều đáp án mà nếu chỉ cần chọn một trường hợp thôi thử đã đủ mệt. Đến cả người lớn nhiều người cũng vài ngày chưa chắc nghĩ ra chứ đừng nói học sinh lớp ba và giao một buổi tối về nhà,” ông Cương chia sẻ.

Là một người cả đời gắn bó với giáo dục, phó giáo sư Văn Như Cương cho rằng, xét trên góc độ giáo dục, các bài tập giao cho học sinh nhằm củng cố những kiến thức các em đã học, rèn luyện về tư duy cho các em.

Tuy nhiên, với một bài toán quá khó và phức tạp như trên thì hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa về mặt giáo dục. Trái lại, nó còn làm học sinh mất thời gian, ức chế, căng thẳng không cần thiết.

Đây cũng là quan điểm của cô Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo cô Hương, khi ra một bài toán cho học sinh, giáo viên có hai xu hướng ra đề. Thứ nhất là để kiểm tra kiến thức học sinh đã học. Thứ hai là để kiểm tra chỉ số thông minh, khả năng nhanh nhạy của học sinh, để thử sức các em hoặc để chọn học sinh giỏi.

Cũng theo cô Hương, việc người lớn không giải được toán của học sinh tiểu học là hết sức bình thường vì có những nguyên tắc, quy luật logic mà người lớn đã quên mất.

“Tuy nhiên, nếu là bài dạng thách đố thì chỉ nên ở tiết nâng cao, chẳng hạn tiết luyện toán . Với bài toán này, nếu là bài tập giáo viên giao về nhà cho học sinh thì dưới góc nhìn của người làm giáo dục, tôi cho rằng nó không phù hợp với học sinh lớp 3,” cô Hương nói.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng bài toán không có ý nghĩa về mặt giáo dục với học sinh tiểu học. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Liệu có thực là bài toán lớp 3?

Cũng đồng tình với quan điểm của cô Vũ Thu Hương khi cho rằng bài toán trên là quá khó với học sinh lớp 3, cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Đông, Hà Nội, tỏ ra hoài nghi về việc liệu đây có đúng là bài toán của học sinh lớp 3?

“Tôi có đọc thông tin về vụ việc. Bài toán được biết đến từ thông tin của độc giả gửi đến một tòa soạn báo. Đến giờ cũng không ai thẩm định xem có đúng đây là bài toán được một giáo viên giao về nhà cho một học sinh lớp ba hay không? Biết đâu đây chỉ là một chiêu trò của độc giả vì những sự việc tương tự hiện nay không phải là hiếm,” cô Hằng chia sẻ.

Giải thích cho những nghi ngờ của mình, cô Hằng cho biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định không giao bài về nhà cho học sinh tiểu học nên nếu có giao bài cho các em thì cũng chỉ là bài rất đơn giản mà em chưa hoàn thành trên lớp. Học sinh lớp ba cũng không thi học sinh giỏi nên không cần giao các bài quá khó để luyện thi

“Tôi không tin có giáo viên lớp ba nào lại ra một đề toán quá hóc búa như thế cho học sinh của mình,” cô Hằng nói.

Không chỉ quá hóc búa với học sinh lớp ba, bài toán hiện đang thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, nhất là cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Tất cả mọi người không kể ngành nghề, lứa tuổi đều cố thử sức với bài toán này và không ít người thất bại, thậm chí nhiều người chào thua ngay từ khi nhìn thấy.

“Ở một góc độ khác, có thể thấy, với sức nóng của nó, bài toán lại đang là một trò đố vui vẻ để mọi người cùng trao đổi, giao lưu, giải trí. Và với việc được báo chí nước ngoài biết đến, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng quốc tế, biết đâu, nhờ nó mà có thêm bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam,” cô Hằng cười nói./.

Theo Vietnam Plus