Xưa nay, giấc mơ vẫn là một đề tài thú vị, khiến con người không ngừng luận giải và khám phá. Tuy nhiên, ý nghĩa nhân sinh nhận được từ những giấc mơ thì không phải ai cũng thấu tỏ.
Trong một bài luận rất nổi tiếng “Sự bình đẳng của vạn vật”, nhà hiền triết Trang Tử đã kết thúc bằng một đoạn văn khó hiểu để kể lại giấc mơ trong đó ông là một con bướm “chỉ nghĩ về niềm vui thú của mình”.
Sau khi thức dậy, Trang Tử đặt ra tình huống khó hiểu: Liệu có phải ông đã mơ về một con bướm, hay là một con bướm đang ngủ và mơ về ông?
Từ rất lâu con người đã luận giải giấc mơ
Ít nhất là từ triều đại nhà Thương khoảng 4.000 năm trước, người Trung Quốc cổ đại đã rất quan tâm đến những giấc mơ và coi đó như một phương tiện để khám phá thế giới tâm linh. Các tòa án và tầng lớp quý tộc nhà Thương sử dụng những vị quan chuyên trách trong lĩnh vực này như các thông dịch viên giải đáp giấc mơ, bởi họ tin rằng chúng dự đoán về một tương lai tốt đẹp hoặc tồi tệ.
“Chu lễ” do một Nho sỹ cổ điển biên soạn trong thời kỳ Chiến Quốc (475-221 trước Công Nguyên) đã phân chia giấc mơ thành sáu loại khác nhau; theo một văn tự viết dưới triều đại Đông Hán (25-220 sau Công Nguyên), danh sách này được mở rộng đến mười loại. “Căn cứ phân chia giấc mơ Lofty”, tác phẩm ở thế kỷ 16 lại đề xuất chín loại. Các giấc mơ được giải thích khác nhau tùy thuộc vào tôn giáo hoặc tình trạng sức khỏe.
Phú quý đời người chỉ như giấc mộng
Có một số truyền thuyết về giấc mơ được coi như câu chuyện ngụ ngôn về thân phận con người trong “thế giới thực”.
Thời nhà Đường, có cuốn sách là “Nam Kha Thái thú truyện” (Truyện về Thái thú Nam Kha) có ghi chép một câu chuyện. Một người học trò là Thuần Vu Phần, sau một lần uống rượu say, đã ngủ thiếp đi và nhìn thấy hai vị thần màu tím (màu tím theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc mang ý nghĩa thông tuệ, thần thánh) đưa anh ta lên xe ngựa của họ.
Các vị thần đưa anh vào một thân cây rỗng, trong đó anh được sống hạnh phúc, đầy quyền lực và sung túc, được thăng quan và cưới cả công chúa. Thuần Vu Phần trong giấc mơ đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn, tuy nhiên sự viên mãn đó sớm lụi tàn khi anh thất bại trong cuộc chiến chống ngoại xâm, còn vợ qua đời vì bệnh tật. Cuối cùng, anh đã quyết định từ chức và trở về “nhà”.
Lên xe ngựa của các vị thần để về nhà cũng vào lúc Thuần Vu Phần tỉnh giấc. Sau khi kiểm tra cái cây rỗng, anh thấy rằng thế giới mình hằng mơ ước chỉ là một tổ kiến. Chỉ trong một giấc ngủ trưa ngắn ngủi, Thuần Vu Phần đã trải qua đủ niềm vui và nỗi buồn của cả đời người. Chứng kiến những thăng trầm của thế giới con người cũng chỉ như diễn biến của một đàn kiến, Thuần Vu Phần đã rời khỏi làng để sống ẩn dật và thiền định như một Đạo sỹ.
Mơ và hiện thực đan xen
Như đã mô tả trong trong câu chuyện “Giấc mộng Nam Kha”, người xưa coi những giấc mơ không đơn thuần chỉ thuộc về tiềm thức mà còn là một thế giới hoàn toàn vượt ra ngoài thế giới của chúng ta. Người xưa coi những giấc mơ chính là sự hoán đổi giữa mộng và thực. Theo tư tưởng của Trang Tử, bản thân giấc mơ có thể phản ánh một thế giới lớn hơn, vượt ra ngoài tầm với của tâm thức con người.
“Khi chúng ta ngủ, linh hồn sẽ làm việc”, Trang Tử đã nói như vậy trong “Vạn vật đều bình đẳng”. Trong một thế giới luôn thay đổi, giấc mơ có thể trở thành hiện thực và hiện thực lại có thể biến thành những giấc mơ. Một nền văn minh là một đồi kiến, và chỉ một đêm có thể diễn tả lại đời người với tất cả những trải nghiệm. Dù đẹp đẽ hay xấu xa, niềm vui và nỗi buồn, ngay cả cuộc sống và cái chết cũng trở thành một sự hoán đổi liên tục không ngừng tồn tại.
Một lần khi mơ và tranh luận với hộp sọ biết nói, Trang Tử đã rất ngạc nhiên khi nghe hộp sọ mô tả về cái chết như niềm hạnh phúc không gì sánh bằng, cho phép nó “lấy tuổi thọ của Trời và Đất” thành của mình. Trang Tử hỏi hộp sọ liệu nó có muốn trở về với cuộc sống như một con người thì ông chỉ nhận được câu trả lời đầy khó chịu: “Sao tôi có thể từ bỏ niềm vui của một vị vua và trở về nỗi nhọc nhằn ở cõi người thường?”.
Theo minhbao.net