(TNO) Kết quả nghiên cứu hướng trôi dạt trên biển của đồ vật trong trận sóng thần hồi năm 2011 tại Nhật Bản đã chỉ ra rằng khó có cơ hội dựa vào mảnh vỡ máy bay để tìm ra xác chiếc MH370.
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy trận sóng thần năm 2011 đã đẩy những đồ đạc, mảnh vỡ trôi dạt sang những địa điểm xa đến tận Đông Nam Á, Alaska và Mexico, Bloomberg ngày 30.7 cho hay. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc suy ra địa điểm rơi xuống biển ban đầu của một vật thể từ nơi phát hiện ra nó là điều gần như không thể. Theo Bloomberg, mảnh vỡ máy bay vừa được tìm thấy ở đảo Reunion hôm 29.7 đã thắp sáng thêm hy vọng cho các nhà điều tra chuyến bay MH370 sau 16 tháng lùng tìm vô vọng. Tuy nhiên, mặc dù phát hiện này có thể giúp đội tìm kiếm có manh mối về tình trạng của chiếc Boeing 777, nhưng nó cũng chẳng có nhiều giá trị trong việc làm rõ hơn khu vực cần tìm kiếm. “Các dòng hải lưu có thể di chuyển theo nhiều hướng khác nhau, thậm chí là trong một khu vực nhỏ hẹp”, ông Nir Barnea, điều phối viên khu vực bờ tây của chương trình nghiên cứu vật thể trôi trên biển, thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, phân tích. “Hai đồ vật rớt xuống biển tại cùng 1 thời điểm và ở cùng 1 địa điểm có thể di chuyển theo nhiều hướng ngày càng lệch nhau cho đến khi chúng dạt đến những địa điểm hoàn toàn khác nhau”, chuyên gia này cho biết.
Đảo Reunion thuộc Pháp nằm cách khu vực tìm kiếm MH370 hiện tại khoảng 3.800 km về phía tây bắc. Đội tìm kiếm quốc tế do Úc dẫn đầu đang triển khai máy bay tuần tra, tàu thuyền trang bị thiết bị định vị thủy âm và tàu lặn không người lái để lùng tìm xác máy bay. Trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra hồi tháng 3.2011 đã cho thấy tính hủy diệt trong sức mạnh và độ bất thường của các dòng hải lưu, theo chuyên gia Barnea. Mảnh vỡ được phát hiện đầu tiên từ trận động đất này đã trôi dạt vào bờ biển Mỹ cuối năm 2011, đầu năm 2012, ông Barnea cho hay, đồng thời nói thêm rằng các đồ đạc khác cũng vẫn đang dạt vào bờ, trong khi số còn lại vẫn còn lênh đênh ngoài biển. Đồ vật nổi trên mặt nước sẽ dễ bị trôi theo dòng nước hơn và do đó cũng sẽ di chuyển nhanh hơn, còn vật nặng mà vẫn nổi sẽ di chuyển chậm hơn, thậm chí tốn nhiều tháng để đi một quãng ngắn, ông Barnea nhận định.
Cựu phi công David Learmount, biên tập viên mảng an toàn bay của trang tin hàng không Flight Global (Anh), cho biết ông không kỳ vọng mảnh vỡ máy bay phát hiện ở đảo Reunion có thể đem lại đột phá. “Dùng các mảnh vỡ để dò tìm điểm rơi máy bay dựa theo hải lưu và chiều gió là một phương thức phán đoán có xác suất sai cao, và đòi hỏi đội tìm kiếm phải xác lập lại một khu vực tìm kiếm rộng lớn hơn cả vùng tìm kiếm hiện tại”, chuyên gia này bình luận. Hoàng Uy |
Theo Thanh Niên