Trong nhiều thập niên trở lại đây, ngành du lịch Thái Lan luôn đóng vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế của quốc gia. Phương pháp làm du lịch táo bạo của xứ chùa Vàng, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, luôn là những bài học bổ ích đối với nhiều quốc gia khác.
Táo bạo và hiệu quả Thành công của du lịch Thái Lan phần nhiều dựa vào các chiến dịch quảng bá hình ảnh đất nước và xúc tiến du lịch. Tại Đông Nam Á, xứ sở Chùa Vàng là một điển hình thành công trong việc quảng bá và phát triển du lịch. Từ năm 1998, Chính phủ Thái Lan cho ra mắt chiến dịch quảng bá thương hiệu quốc gia với tên gọi “Amazing Thailand”. Chiến dịch tập trung giới thiệu bảy “di sản” của Thái Lan gồm: người Thái, thiên nhiên, kho báu (các di tích lịch sử), khu nghỉ dưỡng, bãi biển, xu hướng (trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí) và lễ hội. Với chiến dịch có chi phí lên tới gần 38 triệu USD này, trong vòng năm năm, lượng khách du lịch đặt chân tới Thái Lan tăng gần 10 triệu lượt người. Từ năm 2013 trở lại đây, du lịch Thái Lan gặp khó do suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động chính trị của đất nước và dịch cúm AH1N1. Không chịu đầu hàng nghịch cảnh, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã quyết định thực hiện một chuỗi chiến lược để vực dậy ngành du lịch. Điểm nhấn chính trong dự án này là một video kéo dài hơn năm phút mang cái tên rất kỳ lạ “Tôi ghét Thái Lan”. Nội dung video kể về một du khách tên James bị mất chiếc túi chứa toàn bộ tiền bạc và giấy tờ trong lần đầu tiên đến Thái Lan (do khỉ lấy trộm). Tuy nhiên, ngay sau đó, James đã được người dân bản địa cho ăn, ngủ miễn phí và giúp đỡ để tìm lại túi. Tình cảm của họ khiến James thay đổi suy nghĩ tiêu cực về Thái Lan và quyết định ở lại đây trong hai năm. Những hình ảnh trong video được dàn dựng rất tự nhiên và được đưa lên Internet dưới hình thức ẩn danh. Vì thế, nhiều người cho rằng đây là sản phẩm do cá nhân thực hiện và không mang mục đích thương mại. Chỉ sau vài ngày có mặt trên Youtube, video đã thu hút gần 2 triệu lượt xem. Phó Giám đốc truyền thông của TAT Sugree Sithivanich cho biết: “Chúng tôi muốn người xem theo dõi và chia sẻ video này một cách tự nhiên nhất. Đây là một phần của chiến dịch du lịch quốc gia Discover Thainess nhằm giới thiệu với du khách rằng sự tử tế và văn hóa của người Thái là những điều không dễ tìm thấy tại các quốc gia khác”. Mũi nhọn Trung Đông Hồi tháng Năm vừa qua, Văn phòng TAT tại Dubai đã tổ chức sự kiện để quảng bá cho chiến dịch Discover Thainess 2015. Chiến dịch năm nay có chủ để khám phá 12 “viên ngọc thô” – các điểm du lịch mới của Thái Lan như Lampang, Phetchabun, Nan, Buri Ram, Loei… Việc tổ chức sự kiện tại Dubai là một bước đi tính toán rất kỹ lưỡng của TAT khi mà thị trường Trung Đông đã trở thành một nguồn du khách quan trọng đối với ngành du lịch của nước này. Theo thống kê, lượng khách đến từ Trung Đông đã tăng tổng cộng 49.62% trong tháng Một năm nay. Theo Giám đốc Văn phòng TAT tại Dubai Chalermsak Suaranat, du khách từ khu vực này luôn là những người chi tiêu mạnh tay nhất khi đến Thái Lan. Thái Lan hiện là một điểm đến quen thuộc với nhiều du khách Ả rập. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong mười điểm đến thân thiện với du khách Hồi giáo (theo chỉ số Du lịch Hồi giáo Toàn cầu 2015). Thêm vào đó, Đại hội Hồi giáo Thái Lan đầu tiên vừa được tổ chức ở Bangkok đã giúp củng cố hơn hình ảnh của Thái Lan trong lòng các vị khách Hồi giáo. Hiện tại, TAT đang cố gắng đào tạo thêm nhiều nhân viên biết nói tiếng Ả rập, nhập khẩu thực phẩm phù hợp luật Hồi giáo, bố trí thêm nhiều nơi cầu nguyện ở sân bay, khách sạn, nhà hàng trên khắp đất nước. Việc đi lại giữa Thái Lan và vùng Trung Đông trở nên thuận lợi hơn với việc tăng cường số chuyến bay đến Bangkok của hãng Qatar Airways lên bốn lần/ngày. Kể từ tháng 2/2014, hãng Etihad Airways cũng bắt đầu mở chuyến bay thẳng từ Abu Dhabi đến Phuket. Vào ngày 15/7 vừa qua, ngành du lịch Thái Lan đã chào đón ông Lefebvre Quentin đến từ Pháp là du khách thứ 16 triệu trong năm 2015. Du khách may mắn này đã được TAT trao hai vé máy bay khứ hồi, voucher ở khách sạn năm sao và giấy chứng nhận “Du khách may mắn nhất”. Theo số liệu của Bộ Du lịch và Thể thao, lượng du khách đến Thái Lan trong bảy tháng đầu năm nay đã tăng 30,31% so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm 2015, ngành du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 28 triệu khách quốc tế, đạt doanh thu 42 tỷ USD. Bích Trâm |
Theo Báo Thế giới & Việt nam