Tinh Hoa

Bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời khiến dân mạng giận dữ đòi tự do ngôn luận

Bác sĩ Lý Văn Lượng, “người thổi còi” về dịch viêm phổi Vũ Hán đã mất vào sáng sớm ngày 7/2 do nhiễm virus Corona mới. Tin tức đã khiến hàng triệu cư dân mạng hô hào rầm rộ trên Weibo để đòi tự do ngôn luận, đồng thời chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát và làm “người hùng” dám lên tiếng phải hy sinh.

Bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời khiến dư luận dậy sóng. (Ảnh: Secretchina)

Theo truyền thông Trung Quốc, Lý Văn Lượng đã ngừng nhịp tim vào lúc 9 giờ 30 phút tối ngày 6/2. Mặc dù đã nhanh chóng cấp cứu bằng phương pháp Oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) nhưng không cứu vãn được tình hình, vào lúc 11 giờ có tin anh đã qua đời.

Tuy nhiên, bệnh viện đã trì hoãn cho đến 2 giờ 58 phút ngày 7/2 mới công bố cái chết của anh. Ngoại giới nghi ngờ rằng, bệnh viện trì hoãn là để cho chính phủ Trung Quốc có thời gian xây dựng các biện pháp đối phó nhằm xoa dịu dư luận, điều này đã khiến mọi người “bốc hỏa”.

Cư dân mạng như nước lũ truy cập vào Weibo của bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nơi Lý Văn Lượng làm việc, yêu cầu bệnh viện phải đưa ra lời giải thích, đồng thời châm biếm rằng “bệnh viện chính trị, ‘làm màu’ đóng kịch cấp cứu”.

Cư dân mạng chỉ trích chính phủ Trung Quốc vì đã che giấu tin tức, khiến dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát và khiến người hùng can đảm lên tiếng cũng vì thế mà hy sinh. Vậy mà các quan chức vẫn đang che đậy sự thật về dịch bệnh, kích động sự phẫn nộ của dân chúng.

Hàng triệu cư dân mạng gào thét đòi tự do, và hàng loạt bài viết có gắn hashtag “#Tôi muốn tự do ngôn luận #” xuất hiện ồ ạt trên Weibo, phần lớn nội dung là yêu cầu các quyền cơ bản của công dân, quyền tự do ngôn luận và quyền được biết sự thật. Một số cư dân mạng thậm chí còn đăng tải thông tin và hình ảnh về sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Công chúng kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giải thích sự thật về cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, đồng thời yêu cầu công khai dữ liệu thực tế và tình hình lây lan của dịch bệnh hiện nay.

Một số cư dân mạng thậm chí còn học theo phong trào phản đối Luật Dẫn độ ở Hồng Kông, đề xuất tuân theo năm yêu cầu về tự do ngôn luận: “Rút lại những lời chống lại bác sĩ Lý Văn Lượng; rút lại ​​tất cả các lệnh xóa thông tin; rút lại ​​tất cả các phát ngôn cáo buộc vu khống; thành lập một ủy ban điều tra độc lập truy cứu trách nhiệm của những quan chức liên đới; lập tức trao trả lại quyền tự do ngôn luận cho người dân”.

Từng bị công an Vũ Hán buộc tội là người “tung tin đồn”, nhưng về sau Lý Văn Lượng đã trở thành “người thổi còi” của dịch viêm phổi Vũ Hán. (Ảnh: RFA)

Số lượng bình luận đã lên tới con số hàng triệu, điều này khiến người xóa bài, chịu trách nhiệm quản lý ngôn luận không kịp xử lý. Tuy nhiên, sau 9 giờ sáng ngày 7/2, một số lượng lớn bài đăng liên quan đến hashtag “#tự do ngôn luận#” của người dùng cá nhân trên Weibo đã bị xóa.

Lý Văn Lượng là bác sĩ khoa mắt tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Vào ngày 30/12/2019, anh đã gửi một tin nhắn vào nhóm WeChat y khoa của trường đại học tiết lộ rằng, có 7 trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS đã được chẩn đoán tại chợ trái cây hải sản Hoa Nam. Do đó, anh được ngoại giới gọi là “người thổi còi” của dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tuy nhiên, vào ngày 1/1, Lý Văn Lượng cùng 7 bác sĩ khác cũng gửi thông tin tương tự đã bị công an Vũ Hán buộc tội là “tung tin đồn”, đồng thời bắt ký “bản kiểm điểm” và bị cấm phát ngôn.

Dư luận đã phản ứng dữ dội với cách làm của công an Vũ Hán. Dưới áp lực rất lớn này, Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 29/1 đã có một động thái chưa từng thấy từ trước đến nay khi ra thông cáo khiển trách công an Vũ Hán vì đã trừng phạt 8 người bị cho là “tung tin đồn”.

Sau đó, khi hàng loạt thông tin về dịch bệnh được công bố, chính quyền địa phương đã xin lỗi bác sĩ Lý vì điều này, truyền thông cũng “đổi gió”, từ chỗ đưa tin bác sĩ Lý là người “tung tin đồn thất thiệt” thành “người thổi còi” của dịch bệnh.

Tám bác sĩ, bao gồm Lý Văn Lượng đã nhanh chóng ra tuyến đầu để chiến đấu với dịch bệnh, Lý Văn Lượng thậm chí còn không may bị nhiễm bệnh. Vào ngày 1/2, anh tiết lộ trên Weibo rằng, anh đã được chẩn đoán là nhiễm bệnh. Anh không may qua đời vào sáng sớm ngày 7/2, khi chỉ mới 34 tuổi, bỏ lại con thơ 5 tuổi và một người vợ đang mang thai. Thật không may, gia đình của Lý Văn Lượng đều bị nhiễm bệnh, bao gồm cha mẹ, vợ và con của anh.

Người dân Hồng Kông tưởng niệm bác sĩ Lý Văn Lượng. (Ảnh: Stand News)

Vẫn còn hàng ngàn cư dân mạng đăng bài thể hiện niềm thương tiếc về cái chết của Lý Văn Lượng. Một số cư dân mạng bày tỏ cảm giác đau buồn và phẫn nộ: “Thật đau buồn, một đất nước mà nói sự thật thì sẽ chết”.

Cựu luật sư Trung Quốc Lại Kiến Bình nói: “Lý Văn Lượng rõ ràng đã bị những lời nói dối ‘nhấn chìm’. Nhiều người dân không biết rằng tự do ngôn luận trân quý thế nào đối với toàn bộ cơ chế xã hội, đối với những tội ác mang tính thể chế, ai cũng đều là nạn nhân”.

Minh Huy (Theo NTDTV)