Tinh Hoa

Bắc Kinh xem xét ban hành lệnh cấm lưu thông xe theo biển số

Xe chẵn không được lưu thông trong ngày lẻ và ngược lại sẽ là nội dung thảo luận của chính quyền Bắc Kinh thời gian gần đây nhằm tìm kiếm giải pháp tránh ùn tắc và bảo vệ môi trường.

Quang cảnh Tử Cấm Thành khi mức ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh  chạm mức “nguy hiểm’. (Ảnh EPA)

Trong 10 ngày thử nghiệm lệnh cấm này vào thời gian diễn ra Hội nghị APEC, các nhà chức trách nhận thấy việc xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ không chỉ giảm đáng kể ùn tắc giao thông mà còn hạ mức ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm này thì tình hình lại trở lại như trước. Giới chức môi trường hôm Thứ Ba (25/11) đã đưa ra cảnh báo màu vàng cho mức ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh, tức là ô nhiễm nặng đến trầm trọng trong vòng 1 đến 3 ngày. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) là 295 vào Thứ Tư (26/11) đạt mức cảnh báo nghiêm trọng thứ hai trong thang 6 mức độ. Trong khi đó, chỉ số AQI dưới 100 là mức chất lượng không khí “tốt”.

Tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, chỉ số này đo được là 380, mức nguy hiểm tồi tệ nhất.

Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh dự báo, tình hình khói mù sẽ giảm vào Thứ Năm (27/11) và Thứ Sáu (28/11), tuy nhiên sẽ lại chuyển biến xấu vào Thứ Bảy (29/11).

“Công chúng phản hồi tích cực với những mức độ khác nhau về lệnh cấm này. Có ý kiến đề nghị nên thực hiện biện pháp này thường xuyên, cả những ngày cuối tuần” – Nhân dân Nhật báo hôm Thứ Năm (27/11) dẫn lời Phó Thị trưởng Bắc Kinh là Lý Sĩ Tường. Tuy nhiên, ông Lý nhấn mạnh đó chưa phải là quyết định chính thức. Một cuộc thăm dò của Thời báo Hoàn Cầu cho thấy hơn 50% trong số 1.000 người dân Bắc Kinh được hỏi tán thành ý kiến cho xe lưu thông theo biển số.

Tuy nhiên, một số người cho rằng hạn chế xe cá nhân không phải là yếu tố duy nhất góp phần cải thiện chất lượng không khí ở Bắc Kinh. Thực tế, hơn 4.000 nhà máy tại tỉnh Hà Bắc lân cận đã được lệnh đóng cửa trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC.

Ngoài chuyện ô nhiễm, người dân Bắc Kinh còn đang bàn tán và tỏ ra giận dữ về việc giá vé tàu điện ngầm và xe buýt sẽ tăng trong tháng tới nhằm giảm ngân sách trợ giá cho phương tiện công cộng, hạn chế tắc nghẽn giao thông. Đối với những người chọn sống ở ngoại ô để tiết kiệm chi phí, phương tiện giao thông công cộng sẽ không còn rẻ một khi giá vé tăng.

“Chi phí đi lại sẽ tăng hơn gấp đôi”, một người viết trên Weibo. Trong khi đó, người khác chất vấn, “Tàu điện ngầm được xây dựng từ tiền thuế và giờ chúng tôi phải trả thêm tiền? Một ít lợi ích cho cư dân Bắc Kinh chăng?”.

Trái lại, theo The Wall Street Journal, cũng có người không thấy phiền chuyện tăng giá, miễn dịch vụ được cung cấp tốt và an toàn hơn.

Trong một diễn biến khác, nhà chức trách Ấn Độ hôm Thứ Năm (27/11) ra lệnh cấm sử dụng các phương tiện đi lại có tuổi đời trên 15 năm ở Delhi trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu xe.

Theo NLĐ, SCMP