Panos Mourdoukoutas, giáo sư kinh tế tại Đại học Long Island Post ở New York, đã viết trên tạp chí Forbes rằng giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ khi tự nhận là có “thực lực cân bằng” với Hoa Kỳ.
Free Times đưa tin, giáo sư Mourdoukoutas đã đăng một bài báo trên tạp chí Forbes vào ngày 7/9, và một phần đã được đăng trên tạp chí Current History vào số tháng 9, ông chỉ ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới đã mang lại “ấn tượng sai lầm” cho chính quyền Bắc Kinh.
Điều này khiến Bắc Kinh tin rằng thực lực của mình cân bằng với Hoa Kỳ, cũng khiến sự tự tin của quan viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị thổi phồng lên và cho rằng có thể cùng với Washington đạt được thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”.
Dương Hướng Phong, trợ lý giáo sư của học viện quốc tế Đông Á, đại học Yonsei Hàn Quốc, trong bài viết “Lịch sử đương đại” đã nói: “Theo một phân tích điển hình của Trung Quốc, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là liên kết kinh tế song phương mạnh mẽ, được thể hiện qua đầu tư và thương mại hai chiều hàng trăm tỷ đô la mỗi năm”.
“Nó liên kết hai quốc gia bất đồng về văn hóa và chính trị lại với nhau, khiến cho ‘vợ chồng tranh cãi’ nhưng không thể ly hôn, đây là một phép ẩn dụ mà rất nhiều quan viên của ĐCSTQ thường hay sử dụng”.
Nhưng giáo sư Mourdoukoutas chỉ ra rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng của Bắc Kinh. Nó vẫn dựa vào mối quan hệ “phụ thuộc lẫn nhau” giữa các nền kinh tế mới nổi và các nước phát triển, sử dụng xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng, để đạt đến được “thực lực cân bằng”, còn là một chặng đường rất dài.
Nếu hai nước “ly hôn”, đối với Hoa Kỳ sẽ có một chút ảnh hưởng, nhưng đối với chính quyền Bắc Kinh mà nói đó sẽ là một đại tai nạn hủy diệt.
Dương Hướng Phong nói rằng, sự “phụ thuộc lẫn nhau” về kinh tế đã làm cho rất nhiều quan chức của ĐCSTQ có ấn tượng sai lầm, cho rằng Trung Quốc thực sự đã đạt đến “thực lực cân bằng” với Hoa Kỳ, điều này đã làm cho chính quyền Bắc Kinh quá tự tin mà cho rằng, những chính sách khó nắm bắt của Washington sẽ không đi quá mức.
Dương Hướng Phong cũng viết trong bài báo: “Nhiều quan chức và nhà phân tích của ĐCSTQ có thể chưa bao giờ nghiêm túc xem xét sự bùng nổ của một cuộc chiến thương mại, chứ đừng nói đến việc chuẩn bị cho nó”.
Dương Hướng Phong nói: “Tranh chấp này không chỉ thúc đẩy sự phân chia kinh tế giữa Hòa Kỳ và Trung Quốc, mà còn đẩy toàn bộ mối quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ”.
Điều này khiến ông bi quan về mối quan hệ trong tương lai giữa Washington và Bắc Kinh. Thêm vào đó, dù cho có đạt được thỏa thuận thương mại, thì “đây sẽ là một cuộc chiến kinh tế kéo dài và bất kỳ thỏa thuận nào cũng chỉ là tạm thời ngừng bắn”.
Trong bài báo, Mourdoukoutas nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ trở thành cuộc chiến khoa học kỹ thuật và chiến tranh tiền tệ. Điều này có nghĩa là, trừ khi chính quyền Bắc Kinh phải thừa nhận thực lực của họ không bằng Hoa Kỳ, bằng không thì hai bên thật khó mà đạt được thỏa thuận thương mại.
Minh Huy (Theo Vision Times)