Sau khi các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu không thể nhất trí bất cứ bước đi thực tế nào để đối phó cuộc khủng hoảng di cư hiện nay, Thủ tướng Áo ngày 6/9 tuyên bố nước này sẽ dần rút bỏ các biện pháp khẩn cấp, như mở cửa biên giới đã tiếp nhận khoảng 12.000 người di cư kể từ ngày 5/9.
“Chúng tôi sẽ dần gỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp vì đây chỉ là biện pháp tạm thời”, Thủ tướng Áo Werner Faymann nói.
Lãnh đạo Áo và Đức hôm 4/9 đã nhất trí tiếp nhận dòng người tị nạn bị kẹt ở Hungary trong khi chính phủ Hungary bối rối chưa biết làm gì với dòng người này.
Thủ tướng Áo cho biết, quyết định tiếp nhận người nhập cư được đưa ra sau khi ông có cuộc trao đổi gấp với người đồng cấp Đức, bà Angela Merkel, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Áo và Đức cũng đồng ý tạm thời không áp dụng quy định về việc đăng ký tị nạn đối với những di cư sau khi vào châu Âu, nhưng yêu cầu chính phủ Hungary phải chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng di cư vì Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên người di cư đặt chân đến.
Chính phủ Hungary cho biết, nước này đã chịu áp lực phải xử lý hàng ngàn giấy tờ tùy thân cho người di cư, tạm thời chấp nhận phái xe buýt chở người di cư đến Áo và Đức tuần qua. Tuy nhiên, nước này sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát biên giới và có thể đưa quân đội xuống biên giới phía nam nếu được quốc hội đồng ý. Hàng rào biên giới mà nước này dựng lên sẽ được hoàn thành vào ngày 15/9, AP đưa tin.
Đêm 5/9, Hungary đã bố trí hơn 100 xe buýt để đưa người di cư từ Syria, Iraq và Afghanistan đến Đức hoặc Áo.
Đến sáng 6/9, một nhóm hơn 600 người tị nạn đã tới Munich, khi nhiều người dân địa phương chào đón họ với sô-cô-la, trái cây và nụ cười trên môi. Nhưng không phải tất cả người di cư đều được đón tiếp nồng hậu, theo tổ chức Ân xá Quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức Harald Neymanns cho biết, Berlin quyết định mở cửa biên giới cho người Syria là việc ngoại lệ vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, ông Neymanns nói rằng, các nước EU hiện vẫn cần phải tuân thủ Quy định Dublin, theo đó người di cư đăng ký tị nạn ở quốc gia EU đầu tiên mà họ đặt chân đến.
Trong khi đó, Thủ tướng Faymann trả lời phỏng vấn báo giới truyền thông địa phương rằng, ông muốn các nhà lãnh đạo EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh về vấn đề di dân sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính hôm 14/9.
Trước đó, tại hội nghị ở Luxembourg, các bộ trưởng ngoại giao EU đã không thể nhất trí về bất cứ bước đi thực tế nào để đối phó cuộc khủng hoảng hiện nay. Một trong những bất đồng lớn nhất là vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho các thành viên EU.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng, trước mắt, châu Âu và Anh không chỉ phải tiếp nhận những người tị nạn chạy trốn sự bức hại mà còn cần tăng cường viện trợ nhân đạo, trấn áp các băng nhóm buôn người cũng như tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria để xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Như vậy, có thể thấy một trong những ưu tiên của nhà chức trách châu Âu lúc này là truy bắt khoảng 30.000 nghi phạm buôn người đã gây ra các tấn bi kịch trong suốt thời gian vừa qua.
Theo Dân Trí, Người Lao Động