Trước tình hình bạo lực leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã có kế hoạch gặp người đồng cấp Pháp, Đức để bàn về căng thẳng leo thang tại Hong Kong bên lề hội nghị ngoại trưởng NATO diễn ra ngày 20/11 vừa qua.
Anh sẽ gặp Pháp, Đức để bàn về vấn đề Hong Kong
“Ngoại trưởng [Anh] sẽ sử dụng chuyến thăm để gặp riêng Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Dria và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhằm thảo luận về những thách thức chính sách đối ngoại chung, bao gồm sự leo thang của biểu tình Hong Kong”, Văn phòng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 19/11 thông báo.
Những người ủng hộ biểu tình Hong Kong ở Anh cũng nói rằng ông Raab nên tận dụng cuộc họp với những người đồng cấp Pháp, Đức ở bên lề hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thảo luận về tình huống tị nạn và thúc đẩy các cuộc điều tra độc lập về tình hình căng thẳng gia tăng tại Hong Kong.
Đồng quan điểm đó, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Đức và Pháp cũng cho rằng 2 nước nên phối hợp với Anh về các biện pháp đi đến thống nhất trong vấn đề Hong Kong.
Ông Antoine Bondaz, thành viên Quỹ Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Paris cho biết, ưu tiên hàng đầu của Pháp là có một cách tiếp cận phối hợp và thống nhất với Anh trong vấn đề Hong Kong.
Đức cũng đã cấp tị nạn cho 2 nhà hoạt động Hong Kong dù nước này không liên quan đến các cuộc biểu tình bùng phát hồi tháng 6 tại Hương Cảng. Ngoại trưởng Đức hồi tháng 9 đã gặpHoàng Chi Phong, lãnh đạo phong trào “ô dù” ở Hong Kong.
Tình hình hiện tại và dự luật của Mỹ về Hong Kong
Căng thẳng tại Hong Kong trở nên hết sức gay gắt kề từ đầu tuần trước khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, sau đó tập trung trong trường Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ ngày 17/11.
Cảnh sát đã triển khai lực lượng vây bên ngoài trường suốt hơn 3 ngày qua và liên tục sử dụng đạn cao su, dùi cui điện, hơi cay có hợp chất 1,4-Dioxin, vòi rồng để khống chế những người biểu tình.
South China Morning Post hôm 20/11 cho biết chính quyền Hong Kong còn trang bị cả súng tiểu liên và súng trường cho cảnh sát trong cuộc đối đầu với người biểu tình ở PolyU.
Cảnh sát đã bắt giữ 1100 biểu tình và vẫn còn khoảng 60-100 người ở trong PolyU sau 3 ngày căng thẳng. Phần lớn họ bị bắt vì bị cho là có hành vi gây bạo loạn và có thể chịu mức án tối đa 10 năm tù nếu bị khép tội.
Trước tình hình bạo lực tràn lan và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật hôm 19/11 với sự nhất trí tuyệt đối, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua phiên bản dự luật của riêng họ vào tháng trước. Thượng viện Mỹ cùng ngày cũng thông qua “Đạo luật Bảo vệ Hong Kong”, cấm bán các mặt hàng như hơi cay, đạn cao su, dùi cui điện, súng chính điện cho cảnh sát Hong Kong.
Thiện Thành (t/h)