Theo Bộ Quốc phòng Anh, chính phủ Anh đã tạm dừng mọi hoạt động đào tạo cho các cán bộ cảnh sát Hồng Kông.
Bộ Quốc phòng cho biết, trước đây Đại học Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia thường cung cấp một chỗ tập huấn cho Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nên các hoạt động này đã bị tạm ngừng.
Trong một email, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng chia sẻ với tờ Epoch Times: “Trước những hạn chế do dịch bệnh COVID-19, toàn bộ quá trình tập huấn với những cán bộ đến từ Hồng Kông đã bị tạm ngừng”.
“Công tác này sẽ được tiến hành lại sau khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ”, người phát ngôn cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng cho biết, quân đội Anh trước đây thường cung cấp các chương trình tập huấn giới hạn các hoạt động như điều lệnh đội ngũ, diễu hành cho Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông, Cơ quan Bay của Chính phủ Hồng Kông và Quân đoàn Hải quân.
Thông cáo cũng đề cập đến luật an ninh quốc gia hà khắc mà chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt gần đây vào Hồng Kông. Động thái này đã làm suy giảm quan hệ giữa Vương quốc Anh và thuộc địa cũ của mình.
Người phát ngôn cho hay: “Chính phủ Anh nhận định rõ, việc chính quyền Trung Quốc ban hành và áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, đã vi phạm vào Tuyên bố chung Trung-Anh, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi và sự tự do của những người ở Hồng Kông”.
Luật an ninh quốc gia có hiệu lực từ ngày 30/6. Điều luật hình sự hóa bất kỳ cá nhân nào có hành vi đảo chính, ly khai và cấu kết với các thế lực nước ngoài chống lại chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với án phạt tối đa là tù chung thân.
Nhằm đáp trả lại điều luật, chính phủ Anh đã mở rộng quyền nhập cư cho khoảng 3 triệu người dân Hồng Kông sở hữu Hộ chiếu Quốc gia Anh (Ở nước ngoài), đồng thời đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với đặc khu.
Đàn áp bạo lực
Năm 2019, hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra tại Hồng Kông, nhằm phản đối một dự luật được đề xuất cho phép người dân Hồng Kông bị dẫn độ đến Trung Quốc Đại lục. Kể từ đó, lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã bị cáo buộc sử dụng các chiến thuật nặng tay để trấn áp người biểu tình.
Tháng 6/2019, chính phủ Anh đã cấm bán các thiết bị kiểm soát đám đông như hơi cay cho Hồng Kông.
Trên quốc tế, Mỹ đã đình chỉ xuất khẩu vũ khí kiểm soát đám đông sang Hồng Kông, Liên minh châu Âu cũng đã quyết định hạn chế bán các thiết bị “nhạy cảm” cho vùng đặc khu này.
Đầu tháng 8, một nhóm các nhà lập pháp Anh cho biết, cảnh sát Hồng Kông đã “vi phạm luật và nguyên tắc nhân đạo quốc tế, nhân quyền quốc tế cũng như tuyên bố chung Trung-Anh”.
Nhóm nghị sĩ toàn đảng tại Hồng Kông đã kêu gọi chính phủ Anh ban hành các biện pháp trừng phạt giống Luật Magnitsky đối với Đặc khu trưởng Hồng Kông – Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Ủy viên cảnh sát và nhiều quan chức cấp cao khác, vì cho phép cảnh sát dùng bạo lực quá mức đối với người biểu tình.
Ngày 7/8, chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và 10 quan chức khác, bao gồm cả cảnh sát trưởng đương nhiệm và tiền nhiệm của Hồng Kông, các thư ký an ninh và tư pháp của đặc khu.
Nhằm bảo vệ các sĩ quan khỏi lệnh trừng phạt, các tổ chức tín dụng trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã chuyển các khối tài sản trị giá hàng tỷ đô la Hồng Kông, từ các ngân hàng nước ngoài đến các ngân hàng Trung Quốc.
Một liên minh quốc tế gồm các nhà hoạt động, luật sư và tổ chức đang tìm cách khởi tố riêng 3 sĩ quan cấp cao người Anh đang hoạt động trong Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông. Những sĩ quan này bị cáo buộc đã sử dụng bạo lực với những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại đặc khu.
Việt Anh (Theo Epoch Times)