Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, sẽ có đến 3 triệu người dân Hồng Kông được trao cơ hội cư trú tại Anh, để sau đó đăng ký trở thành công dân của quốc gia này.
Vị thủ tướng cho biết, luật an ninh quốc gia mới đã xâm phạm tới quyền tự trị của đặc khu, những người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sự luật sẽ được đề xuất một “con đường” để thoát khỏi Hồng Kông.
Khoảng 350.000 người sở hữu hộ chiếu Anh, và 2,6 triệu người khác đủ điều kiện để đăng ký hộ chiếu sẽ có thể đến và sinh sống tại Anh trong 5 năm. Sau khi định cư tròn 1 năm, những người này sẽ có thể có đủ điều kiện để được cấp quyền công dân tại đây.
Những người sở hữu Hộ chiếu Quốc gia Anh (gọi tắt là hộ chiếu BN) tại Hồng Kông được cấp những đặc quyền vào những năm 1980, nhưng hiện nay những đặc quyền này đã bị hạn chế, và những người này chỉ có quyền được miễn thị thực vào Anh trong vòng 6 tháng.
Theo kế hoạch mới của chính phủ, toàn bộ công dân sở hữu hộ chiếu BN và những người phụ thuộc của họ sẽ được hưởng quyền lợi sinh sống, học tập và làm việc tại Anh trong vòng 5 năm. Sau khoảng thời gian này, những người sở hữu hộ chiếu sẽ được quyền nộp đơn xin cấp trạng thái định cư, và 1 năm sau đó họ có thể đăng ký để trở thành công dân Anh.
Luật an ninh quốc gia mới tại Hồng Kông tập trung xử phạt, với án phạt lên tới mức tù chung thân, những hành vi ly khai, đảo chính và khủng bố đã có hiệu lực vào ngày 30/6.
Ông Boris Johnson cho biết, việc chính quyền Hồng Kông thông qua luật an ninh quốc gia mới, là “sự vi phạm rõ ràng và nghiêm trọng” điều khoản trong tuyên bố chung Trung – Anh năm 1985 – một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm đảm bảo quyền tự do cho Hồng Kông trong 50 năm kể từ khi Trung Quốc giành lại quyền quản lý đặc khu năm 1997.
Hướng đi mới
Thủ tướng Anh phát biểu, “nó [luật an ninh] gây tổn hại sâu sắc đến quyền tự trị của Hồng Kông, cũng như đe dọa đến sự tự do và các quyền lợi được đảm bảo trong tuyên bố chung”.
Bí thư thường trực của Văn phòng Ngoại giao và Liên bang – Simon McDonald bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của chính phủ Anh trước luật an ninh mới của Trung Quốc, trong cuộc họp với đại sứ Trung Quốc tại Anh – Lưu Hiểu Minh.
Tuy nhiên, chính động thái này cũng gây ra nhiều sức ép hơn, khi cân nhắc về các yếu tố khác trong mối quan hệ giao hữu của Anh với Trung Quốc – nhất là thỏa thuận cho phép tập đoàn Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G tại quốc gia.
Nhiều thành viên Quốc hội Đảng Bảo thủ Anh vẫn luôn cố gắng tìm cách để ngăn cản thỏa thuận trên, và động thái mới đây của chính phủ Anh đã làm tăng thêm sức ép với họ.
Phát biểu chi tiết về tình hình giữa các thành viên Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab cho biết, sẽ không có giới hạn về số lượng hoặc hạn ngạch, và quy trình thủ tục cũng sẽ đơn giản. Ông phát biểu: “Đây là những biện pháp xử lý đặc biệt, dành riêng cho người Hồng Kông, được đưa ra nhằm giải quyết tình cảnh mà chúng ta đang phải đối mặt, cũng như để giữ vững cam kết đặt ra trước đây với người dân Hồng Kông”. Chính phủ Anh sẽ công bố chi tiết thêm nhiều thông tin của kế hoạch trong thời gian tới.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, trong thời điểm hiện nay, những người sở hữu hộ chiếu BN tại Hồng Kông có thể đến Anh ngay lập tức, theo quy định kiểm tra nhập cư tiêu chuẩn. Những cá nhân này cũng không phải chứng minh tài chính để được cấp visa.
Nhiều câu hỏi vẫn bị bỏ ngỏ với những người sở hữu hộ chiếu BN
Grace Tsoi – phóng viên BBC World Service tại Hồng Kông cho biết, tôi được sinh ra tại Hồng Kông trước năm 1997, giai đoạn Hồng Kông bị trao lại chủ quyền cho Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa tôi đã sở hữu hộ chiếu BN từ khi còn nhỏ.
Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ: Chính quyền Anh có sẵn sàng để tiếp nhận quá nhiều công dân Hồng Kông không? Liệu số lượng việc làm có đủ đáp ứng không? Liệu những người sở hữu hộ chiếu BN có được quyền hưởng các quỹ công cộng không? Và liệu họ có được Dịch vụ Y tế Quốc gia hỗ trợ không?
Một số người cho rằng thật tốt khi có một lối giải thoát, nhưng liệu họ có thực sự muốn rời khỏi quê hương của mình không?
Đã có hàng loạt người bị bắt giữ dưới quy định của điều luật mới, trong đó có một người đàn ông chỉ vì cầm một lá cờ ủng hộ độc lập, trong khi lực lượng cảnh sát dùng hơi cay để giải tán một đoàn người biểu tình, tụ tập lại nhằm đánh dấu 23 năm kết thúc quyền cai trị của Anh tại Hồng Kông.
Các chuyên gia phê bình nhận định, điều luật đã hoàn toàn đặt dấu chấm hết cho nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” được nêu trong Tuyên bố chung. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc bác bỏ toàn bộ những chỉ trích về động thái của họ, và cho rằng đây là vấn đề nội bộ.
“Xâm phạm trắng trợn”
Chính phủ Anh đang phải đối mặt với sức ép ngày một leo thang từ các thành viên Quốc hội, khi đồng ý hợp tác với chính quyền Bắc Kinh. Các thành viên Quốc hội đều lo ngại trước vai trò ngày một định hình rõ của chính quyền Trung Quốc tại Anh, cũng như những tác động về an ninh, mà tập đoàn Trung Quốc Huawei đem lại với dự án xây dựng mạng thế hệ mới 5G tại Anh.
Ông Raab mong muốn duy trì mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã “thất hứa” với người dân Hồng Kông, thông qua hành vi “xâm phạm trắng trợn” vào quyền tự do ngôn luận, và quyền hội họp hòa bình của đặc khu.
Bộ trưởng Ngoại giao Lisa Nandy cho biết, chính quyền Anh cũng có trách nhiệm cân nhắc phúc lợi cho những người không thể tái định cư, và những cá nhân muốn ở lại Hồng Kông. Bà kêu gọi chính phủ hợp tác với các đối tác quốc tế, thông qua tổ chức Liên Hợp Quốc, để thực hiện một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát Hồng Kông, cũng như kêu gọi chính quyền Anh tái cân nhắc lại quan hệ thương mại với Trung Quốc.
“Đã từ rất lâu trong mối quan hệ với Trung Quốc, chúng ta không có những chiến thuật trong và ngoài nước. Tôi hy vọng chính quyền có thể đưa ra cam kết, điều này đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn hoàn toàn khác”, bà phát biểu.
Việt Anh (theo BBC)