Người Trung Hoa cổ xưa liên tưởng các tính cách của con người với 12 con giáp gồm: Chuột, trâu, hổ, thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và lợn. Mỗi con giáp được sắp xếp với một loài có đặc tính đối ngược, và chúng phản ánh những lời dạy sâu sắc của người Trung Hoa cổ đại.
1. Cặp đầu tiên là chuột và trâu
Con chuột tượng trưng cho sự khôn ngoan và con trâu đại diện cho tính cách siêng năng cần cù. Trí tuệ và sự siêng năng phải đi đôi với nhau. Nếu một người chỉ có thông minh mà không chăm chỉ, người đó sẽ chỉ khôn vặt. Nếu một người chỉ siêng năng chăm chỉ mà không có trí tuệ dẫn đường, kết quả là hỏng việc. Vì vậy, trí tuệ và sự siêng năng cần phải được kết hợp.
2. Cặp thứ 2 là hổ và thỏ
Con hổ tượng trưng cho lòng dũng cảm, trong khi thỏ đại diện cho tính cẩn thận. Dũng cảm và cẩn thận nên đi cùng với nhau. Nếu không cẩn thận, dũng cảm trở thành liều lĩnh, trong khi thận trọng thái quá sẽ được xem là nhút nhát. Những đặc điểm này rất quan trọng đối với 1 người, vì vậy hổ và thỏ được xác định là cặp thứ 2 trong 6 cặp con giáp có mối quan hệ tương sinh.
3. Cặp tiếp theo là rồng và rắn
Rồng đại diện cho sự bền bỉ trong khi rắn tượng trưng cho sự linh hoạt. Người xưa tin rằng những người hội tụ đủ 2 nhân tố bền bỉ và linh hoạt chắc chắn là người làm nên đại sự.
4. Cặp thứ tư là ngựa và dê
Tính cách của người tuổi ngựa thể hiện rõ sự kiên quyết cùng đôi chút bướng bỉnh, trong khi người tuổi dê đại diện cho sự chu đáo, cẩn trọng. Nếu một người chỉ biết chúi đầu vào mục tiêu của mình mà không được nhận thức được môi trường xung quanh đang biến đổi, họ rất dễ bị ràng buộc bởi chính sự cố chấp của mình.
Tuy nhiên, nếu một người luôn tìm kiếm sự đồng thuận từ người khác mà không đưa ra được quyết định cho mình, họ cũng khó đạt được mục tiêu của mình. Vì vậy quả quyết và thận trọng đều là 2 tính cách quan trọng và nên đi cùng với nhau. Điều này đã được chứng thực trong nhiều câu chuyện từ ngàn xưa. Và đây cũng là cặp tính cách thứ 4 mà người xưa muốn chỉ dạy cho con cháu.
5. Cặp khỉ và gà
Con khỉ đại diện cho tính linh hoạt. Thời xưa không có đồng hồ báo thức nên gà trống sẽ có nhiệm vụ báo hiệu cho sự bắt đầu của ngày mới. Vì thế gà đại diện cho tính ổn định, vậy nên sự kết hợp của khỉ và gà trống nghĩa là sự linh hoạt trong ổn định. Cũng cần phải đi cùng với nhau. Làm việc linh hoạt mà không ổn định thì kết quả thu được sẽ không như ý, và sự ổn định được người xưa ví như một vũng nước đọng, trì trệ. Kết quả tốt nhất đến từ việc có cả sự ổn định và tính linh hoạt.
6. Cặp đôi cuối cùng là chó và lợn
Chúng ta đều biết chó là một loài động vật trung thành, trong khi lợn là loài vật hiền hòa. Một người trung thành mà không niềm nở sẽ khó lòng hòa nhập với tổ chức và ngược lại, một người quá dễ tính mà không trung thành với một cái gì đó cố định họ sẽ dễ dàng đánh mất đi các nguyên tắc của họ.
Cho dù đó là lòng trung kiên với tổ quốc, với tổ chức, hay với lý tưởng, nó phải được kết hợp với yếu tố hiền hòa. Ví dụ trung thành với quốc gia là điều cần thiết, nhưng nếu quốc gia đó đang trong tay của một nhà nước bạo ngược, thì sự trung thành đó là mù quáng, cũng là làm điều xấu. Người xưa có câu “trợ Trụ vi ngược” chính từ lý này mà ra. Bên cạnh đó một người cần hòa nhã, nhưng họ cũng phải có nguyên tắc.
Mỗi người trong chúng ta đều đại diện cho 1 con giáp, có người tuổi Hợi cũng có người tuổi Tuất. Trong thực tế, người Trung Hoa cổ xưa tin vào tầm quan trọng của mối quan hệ hài hòa giữa người với người. Một người sinh ra trong năm Đinh Hợi có thể là dễ tính, nhưng họ cũng phải học hỏi để trở nên trung thành, và một người sinh ra trong năm Bính Tuất có thể là trung thành, nhưng họ cũng phải học hỏi để trở nên hòa nhã.
Thông điệp từ nếp sống của người xưa chính là không ai hoàn hảo, hãy không ngừng học tập những điều tốt đẹp của nhau để trở nên hoàn thiện.
Hoàng An, Theo Visiontimes