TPO – Những trang Facebook thay đổi hình đại diện, giả mạo nghi can Nguyễn Hải Dương để câu view đã và đang lan truyền trên mạng khiến nhiều người vô cùng bức xúc, còn theo các chuyên gia tâm lý, đây là một nhát dao cứa tận nỗi đau thân nhân còn lại của những người đã khuất trong cuộc thảm sát…
Hàng chục trang facebook giả mạo nghi can Nguyễn Hải Dương để câu view. Câu view trên nỗi đâu người khác Mấy ngày nay, trên Facbook nổi lên cụm từ Nguyễn Hải Dương hay Bruce rain Nguyễn Hải Dương (là tên Facebook của Nguyễn Hải Dương, nghi can trong vụ thảm sát Bình Phước- PV). Khi bấm vào hai cụm từ này, nổi lên cả chục trang Facebook giả mạo, nhiều trang có lượt like lên đến cả ngàn người… Truy cập vào một số trang Facebook ở trên, chúng tôi nhận thấy có điểm chung là đều vừa mới thành lập hoặc mới đổi tên (sau khi nghi can Nguyễn Hải Dương bị bắt- PV), hình ảnh đại diện là hình Nguyễn Hải Dương, dòng thời gian cũng chỉ đăng ảnh của nhân vật này với các nạn nhân trong vụ thảm sát Bình Phước… Đáng chú ý, ở dưới mỗi bức hình còn kèm theo những bình luận vô tội vạ, mang tính chửi rủa, chê trách nghi can này. Một trò ăn theo khác nữa cũng đang được các bạn trẻ chia sẻ trong những ngày vừa qua đó là những dòng tin nhắn đại loại như: “Mình chia tay nhau anh nhé, vì ba mẹ em không cho…”, chàng trai liền nhắn: “Em có biết vụ thảm sát ở Bình Phước hay không…” và rồi chàng trai nhận lại được tin nhắn ngay tức thì của cô gái: “Ba mẹ em đồng ý rồi, còn cho tiền hai đứa mình đi du lịch nữa”… Thậm chí, nhiều trang cá nhân còn có cả những hình ảnh “chế” từ vụ thảm sát Bình Phước với dòng status “Cơ hội thoát ế cho nhóm FA đã đến rồi đây…”. Hay như mới đây, nhiều trang bán hàng online, đặc biệt là áo quần còn bán cả chiếc áo giống như chiếc áo mà Nguyễn Hải Dương đang mặc trên người. Để tạo niềm tin, người bán còn đăng hình chiếc áo đang bán và đính kèm một bên với hình ảnh của nguyễn Hải Dương đang mặc chiếc áo này để so sánh độ giống nhau. Trâm, một người chuyên kinh doanh bán hàng trên Facebook cho biết, đây là một trong những hình thức câu view thường được nhiều người sử dụng để bán hàng online. “Đầu tiên là liên tục đăng tin ăn theo một sự kiện gì đó trên trang cá nhân của mình, càng hót càng tốt, để lấy được sự thương cảm hoặc thậm chí là sự chê trách để nhận được các lượt chia sẻ, theo dõi và dần dần trở thành trang cá nhân được mọi người chú ý. Đến lúc này, bạn sẽ có thể tung ra các sản phẩm bạn cần bán và mỗi lần bạn đăng tin, nhiều người sẽ biết đến, xác suất bán được hàng của bạn cũng cao hơn. Và đặc biệt, nếu trở thành người của công chúng, có lượt truy cập nhiều, bạn còn nhận được một khoản tiền quảng cáo từ chính các trang mạng khác dành cho bạn nữa…” Trâm chia sẻ. Một bức ảnh “chế” minh họa đoạn đối thoại liên quan đến vụ thảm sát Bình Phước được dân mạng lan truyền. Giới trẻ ngày càng thiếu và yếu bản lĩnh… Trao đổi với PV, Thạc sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH Trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết: “Vụ thảm sát Bình Phước có thể xem là một tội án hết sức dã man, gây rúng động toàn xã hội nên kẻ thủ ác vượt lên trên hết mọi bị cáo trong các vụ trọng án khác và trở thành như một nhân vật điển hình hóa!” “Việc một số bạn trẻ lấy hình ảnh liên quan đến vụ án trên để làm hình avatar hoặc sử dụng như một nhân vật biểu trưng cho cái ác tột cùng nhằm mục đích câu like, câu view… là hành động thiếu và yếu bản lĩnh, lập trường sống của giới trẻ”, thạc sĩ Hòa An nói. Theo thạc sĩ Hòa An, nỗi đau không chỉ xảy ra và dừng lại trong cuộc thảm sát mà nó còn kéo dài và mở rộng với nhiều người khác có liên quan, đó chính là những người thân còn lại của nạn nhân trong vụ thảm sát, đó còn là những người thân của hung thủ khi bàng hoàng không tin vào mắt và tai mình giờ đây con – cháu mình đã trở thành kẻ “tội đồ” bị toàn xã hội lên án. Ngoài ra, việc cư dân mạng đánh đồng nghi can bị bắt là hung thủ và có những bình luận phán quyết là không nên. “Hãy nhớ rằng, khi tòa án chưa có kết luận chính thức, thì chưa được xem là ai là tội phạm hoặc người nào đó có tội! Hãy suy nghĩ cẩn trọng trước những hành động và phát ngôn của mình trên môi trường mạng xã hội. Hãy tập cách xỏ chân vào chiếc giày của người khác để thấu hiểu và đồng cảm!”, thạc sĩ Hòa An nói. Bên cạnh đó, thạc sĩ Hòa An cho biết, dư luận ban đầu vẫn không tin vì “hận tình” mà kẻ thủ ác có thể ra tay tàn bạo như vậy! Thì đây sẽ là một vụ án kinh điển gióng lên một hồi chuông cảnh báo về một hiện tượng “cuồng yêu” đã được báo chí, các chuyên gia pháp luật, tâm lý, các nhà xã hội học mổ xẻ cách đây ít lâu nhưng vẫn không được xã hội, cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, quan tâm một cách đúng mức! “Thậm chí đã có nhiều nạn nhân gửi đơn cầu cứu khi bị quấy rối và xâm phạm đời tư một cách thô bạo từ những kẻ “cuồng yêu” nhưng đều không nhận được bất kì sự trợ giúp hữu ích nào từ phía các cơ quan chức năng! Liệu rồi đây, hàng chục, hằng trăm nạn nhân bị uy hiếp bởi những kẻ “cuồng yêu” như thế rồi có được an toàn?” thạc sĩ Hòa An nói. Trước đó, mặc dù các cơ quan chức năng chưa bắt được nghi can trong vụ này, thế nhưng, nhiều trang mạng cũng đã tung tin bắt được hung thủ. Thậm chí, nhiều tài khoản Facebook còn cung cấp cả thông tin, thời gian và địa điểm bắt được nghi can để câu view. Tuy nhiên, nếu tin ý, nhiều người sẽ nhận ra các status này đều được chỉnh sửa lại nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng xã mạng hội, gây hoang mang dư luận… Một bức ảnh “chế” minh họa đoạn đối thoại liên quan đến vụ thảm sát Bình Phước được dân mạng lan truyền. |
Theo Tiền Phong