Hai bộ tiểu thuyết sau cùng của tiểu thuyết võ hiệp gia Kim Dung là Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký, đều viết vào giai đoạn Trung Quốc Đại Lục đang diễn ra thảm kịch mà ĐCSTQ gọi là “đại cách mạng văn hóa”. Vì vậy, rất nhiều tình tiết trong hai bộ tiểu thuyết này đều ám chỉ sự kiện đó, cũng như chỉ trích ĐCSTQ, một số nhân vật và thế lực trong truyện cũng là ẩn dụ cho những người lãnh đạo ĐCSTQ.
Xét về mức độ châm biếm và phê phán, thì Lộc Đỉnh Ký gay gắt hơn Tiếu Ngạo Giang Hồ rất nhiều, đó là do đến khi sáng tác Lộc Đỉnh Ký, ác cảm của Kim Dung đối với ĐCSTQ và Mao Trạch Đông đã rất lớn, gần như không còn hy vọng gì vào tổ chức đó nữa.
Thần Long giáo và ĐCSTQ trong “đại cách mạng văn hóa”
Trong Lộc Đỉnh Ký, tổ chức mà Kim Dung dùng để ám chỉ ĐCSTQ chính Thần Long Giáo. Thần Long Giáo là một tôn giáo, nhưng tôn giáo này không thờ phụng bất kỳ một vị Thần nào, mà chỉ tôn thờ “giáo chủ”, giáo lý cũng không có, chỉ có “mệnh lệnh” của giáo chủ. Linh vật của tôn giáo này là các loài rắn độc mà giáo chủ nuôi dưỡng. Đây hiển nhiên là một tà giáo.
Giáo chủ của Thần Long Giáo mang họ Hồng, thường gọi là “Hồng giáo chủ”. Ở đây Kim Dung đã chơi chữ, trong tiếng Hán chữ “hồng” mang nghĩa “rộng lớn” đồng âm với chữ “hồng” mang nghĩa “màu đỏ”. “Hồng giáo chủ” thực tế chính là “giáo chủ màu đỏ”. Màu đỏ là màu của ĐCSTQ, ngụ ý bên trong hẳn đã rõ.
Hồng giáo chủ ban đầu vốn là người nuôi rắn, về sau có thế lực lớn mạnh rồi bèn dùng loài rắn làm biểu tượng cho giáo phái của mình, nhưng không gọi là rắn nữa mà gọi là “thần long”. Điều này tương tự với việc người ta hay so sánh ĐCSTQ với con rồng đỏ, vốn có nguyên hình là con rắn gian ác được nhắc tới trong “Thánh Kinh”.
Ở đây còn một tầng ý nghĩa nữa, là việc nâng tầm loài “rắn” (con vật xấu xa) lên thành “thần long” (con vật linh thiêng trong quan niệm của người phương Đông), cho thấy bản tính dối trá, tự tâng bốc bản thân và che đậy bản chất xấu xa của ĐCSTQ.
Căn cứ của Thần Long giáo là Thần Long đảo. Hòn đảo này được ngư dân xem như là “đảo Thần Tiên”, người ta truyền tai nhau rằng trên đảo là xứ sở của các vị Tiên, người ở đó muốn gì được nấy, không cần làm việc cũng có thể hưởng thụ hạnh phúc tùy thích. Tuy vậy khi đến nơi, mọi người mới kinh hoàng nhận ra đây chỉ là một hòn đảo đầy rắn độc!
Một lần nữa Kim Dung có ngụ ý chỉ trích tuyên truyền hoang đường dối trá của ĐCSTQ về một “thiên đường xã hội chủ nghĩa”, người người lao đầu vào để kiến thiết nên một xã hội “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” kiểu như vậy, để rồi cuối cùng nhận ra rằng nó không tồn tại, mà chỉ là một nơi đầy “rắn độc”!
Dưới tay Hồng giáo chủ là năm vị chưởng môn sứ, mỗi vị đảm nhận một vai trò và sở hữu lực lượng riêng của mình, tuy nhiên thực tế mọi quyền hành đều do giáo chủ bên trên chi phối, dù địa vị của năm chưởng môn sứ có cao tới đâu cũng không hề có chút tiếng nói nào cả. Thậm chí dẫu họ từng lập bao nhiêu công trạng thì chỉ cần một lúc giáo chủ không vui, họ cũng có thể lập tức bị xử tử hoặc bị dùng nhục hình tàn khốc.
Thê thảm hơn nữa, Hồng giáo chủ còn có thể giao họ cho những gã thiếu niên vô danh tiểu tốt hoặc lưu manh vô lại sỉ nhục đến chết – những cái chết hoàn toàn không hề xứng đáng với thanh danh và địa vị của họ.
Hình ảnh “năm vị chưởng môn sứ” ấy ngụ ý cho việc ĐCSTQ chia xã hội thành năm tầng lớp sĩ-nông-công-thương-binh (đại diện là ngôi sao năm cánh). Tuy ĐCSTQ hàng ngày tuyên truyền xã hội bình đẳng giai cấp, thực tế thì đảng nắm mọi quyền hành và tùy tiện sinh sát, người thuộc bất kỳ giai cấp nào, dù giữ địa vị cao tới đâu hoặc có cống hiến to lớn thế nào cho Đảng, cũng có thể bị chúng bức hại đến chết.
Lưu Thiếu Kỳ là một ví dụ hết sức điển hình: Mặc dù ông ta đã từng làm tới chức chủ tịch nước CHND Trung Hoa, nhưng sau cùng lại bị những đảng viên vô danh tiểu tốt bức hại và sỉ nhục đến chết, với tội danh “phản Đảng”! Lấy thường lý mà suy, dù Lưu Thiếu Kỳ có tội, thì chết như vậy thật sự không xứng với người đã từng đứng danh một thời như ông ta.
Kim Dung đã thông qua tình tiết Hồng giáo chủ khinh rẻ các chưởng môn sứ, và thuộc hạ từng lập công để bày tỏ sự bất mãn với các hành vi chà đạp nhân cách, và danh dự con người của ĐCSTQ.
Về phương thức cai quản Thần Long giáo, Hồng giáo chủ luôn nơm nớp lo sợ thuộc hạ sẽ phản bội mình, nên mỗi khi cử họ ra ngoài làm việc ông ta đều ép họ uống thuốc độc và giam giữ thân quyến của họ: Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có ý phản bội giữa chừng, thì sẽ không được cấp thuốc giải và thân quyến của họ sẽ bị xử tử.
ĐCSTQ cũng áp dụng hình thức giam giữ thân quyến, và nắm bắt mọi thứ quan trọng của các đảng viên khi cử họ đi làm việc, nhất là làm việc tại nước ngoài, chỉ có vậy mới khiến chế độ độc tài toàn trị này yên tâm rằng, các đảng viên sẽ không thông đồng với thế lực khác để lật đổ mình.
Thần Long giáo ngoài việc là một tà giáo nuôi rắn độc ra, thực chất còn là một tổ chức chính trị. Hồng giáo chủ câu kết với nước La Sát (nước Nga), dự tính nội ứng ngoại hợp để lật đổ nhà Thanh, chiếm lấy Trung Quốc. Sự việc này nếu thành công, thì Hồng giáo chủ sẽ được vua La Sát chia đất để tự xưng Vương!
Chi tiết này ngầm ám chỉ chuyện ĐCSTQ vốn xuất thân từ Liên Xô (nước Nga), là hạt giống ngoại lai mà Liên Xô gieo rắc lên mảnh đất Trung Hoa, nhờ uống sữa của Liên Xô mà lớn. Hơn nữa ĐCSTQ thật sự đã nhượng bộ lãnh thổ Trung Quốc cho Liên Xô, để nhận lấy “tình anh em khối xã hội chủ nghĩa”, ngay từ đầu nó đã là một tổ chức “Hán gian” bán nước rồi. Vợ của Hồng giáo chủ tên là “Tô Thuyên”, đọc gần âm với “Xô Liên” – cách mà người Trung Quốc gọi Liên Xô, càng lộ rõ cái ý đả kích của Kim Dung.
Nhưng tình tiết bi hài nhất, mỉa mai sâu cay nhất mà Kim Dung dành cho ĐCSTQ, phải là việc họ nhồi sọ người dân và đảng viên!
Trong Thần Long giáo, mỗi khi giáo chủ xuất hiện, thì còn nghiêm túc hơn cả hoàng đế thượng triều: Tất cả giáo chúng đều quỳ xuống khấu đầu, đồng thanh đọc lên những câu thơ ca tụng công đức của giáo chủ và chúc giáo chủ thọ sánh ngang trời, sau đó có người đứng trên bục cầm một tờ sớ đọc những lời “bảo huấn” của giáo chủ, người đó đọc một câu thì giáo chúng bên dưới lại đồng thanh đọc theo, cứ vậy mà đọc hết bài rồi mới được giáo chủ cho “bình thân”. Thật là một hình ảnh khiến người ta dở khóc dở cười!
Kim Dung đã dùng hình ảnh của “Vương triều” Thần Long giáo này để chế giễu chủ nghĩa sùng bái lãnh tụ mà ĐCSTQ tuyên truyền: Tôn các lãnh tụ của đảng lên như các vị Thần hoàn mỹ vô khuyết, trong khi thực chất họ đều là những con người bình thường, thậm chí đều là những bạo chúa tà ác và ngu muội!
Cảnh tượng các giáo chúng Thần Long giáo quỳ mọp dưới đất, vừa dập đầu vừa đọc “bảo huấn”, hiển nhiên là lấy ý tưởng từ thực tế Hồng vệ binh trong thời “Đại cách Mạng văn hóa” đang nâng niu cuốn “Mao tuyển” hoặc văn chương, trích dẫn nào đó của Mao Trạch Đông mà kính cẩn đọc như những tín đồ thành kính của tôn giáo đỏ. Cũng vẫn là cảnh tượng một người ở bên trên đọc to, hàng trăm hàng ngàn người bên dưới đồng thanh đọc theo.
Không chỉ vậy, ĐCSTQ trải qua mấy chục năm, từ bình dân cho đến tri thức đều bị bắt phải học những học thuyết mang đậm tính nhồi sọ: Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng của Mao Trạch Đông, lý luận của Đặng Tiểu Bình, học thuyết ba đại diện của Giang Trạch Dân, gần đây lại thêm vào cả tư tưởng của Tập Cận Bình, đó đều là các “bảo huấn của Hồng giáo chủ”.
Một tình tiết dở khóc dở cười được Kim Dung xây dựng cho các giáo chúng Thần Long giáo, đó là mỗi khi lâm vào hiểm cảnh, hễ họ gào thét hò hét như phát điên mà xưng tụng giáo chủ, thì họ có thể xoay chuyển tình thế, biến nguy thành an.
Điển hình là trong ngôi miếu hoang, khi một số giáo chúng Thần Long đụng độ với nhóm người của Mộc Vương phủ và Thiên Địa hội, ban đầu các giáo chúng này đánh không lại, sau đó họ đột nhiên xếp binh khí, đứng chỉnh tề thành hàng, rồi đồng thanh đưa tay hô lên:
“Hồng giáo chủ thần thông quảng đại
Giáo chúng ta đánh bại khắp nơi
Địch nhân thấy bóng chạy tơi bời
Cứng rắn cũng tan thành xác pháo […].”
Thoạt tiên mọi người nhìn thấy vậy đều sửng sốt, cho rằng hành động của những kẻ này thật sự quá mức điên rồ, không giống ai trên đời. Nhưng sau khi hô hào như vậy, các giáo chúng đột nhiên mạnh mẽ hẳn lên, tấn công vô cùng kịch liệt, sức lực dường như tăng lên bội phần, tinh thần chiến đấu cũng hung hãn đến mức khiến người ta phát sợ, rốt cuộc toàn bộ người của Thiên Địa hội và Mộc Vương phủ tại đó đều bị đánh bại và bắt giữ hết. Mọi người lúc ấy mới khiếp sợ, cho rằng đây là “Hồng giáo chủ thần thông quảng đại đang triển hiện uy lực”!
Kim Dung thuật lại tình huống này, nhưng ông không đưa ra lời giải thích nào cho việc vì sao các giáo chúng hò hét xưng tụng giáo chủ thì họ lại mạnh lên, ông để độc giả tự suy ngẫm. Thực chất việc ca ngợi giáo chủ không hề khiến các giáo đồ Thần Long giáo mạnh lên trong trận chiến, mà chỉ khiến tinh thần của họ kích động hơn, hăng hái hơn, đến mức bất chấp tính mạng, điên cuồng không lý trí. Có ai nhìn thấy một nhóm người bình thường đột nhiên điên loạn như vậy mà không phát sợ chứ? Người khác càng sợ, thì họ càng liều mạng hơn nữa, sức lực của họ không hơn nhưng tinh thần “cuồng tín” của họ đã trấn áp tâm lý đối phương, vì vậy mà họ chiến thắng.
Qua đó, Kim Dung ngụ ý rằng sở dĩ những người đảng viên ĐCSTQ những năm đó có thể hoạt động cách mạng tốt như vậy, có thể chiến thắng và chiếm được Trung Quốc, không phải dựa vào thực lực của họ mạnh hơn hay chiến lược của họ cao minh hơn, mà chẳng qua là họ “cuồng tín” hơn, điên loạn hơn, cũng tức là liều mạng hơn.
Khi bị nhồi sọ đến mức ấy, người ta trở nên mất cả lý trí, xem lãnh tụ của đảng như Thần minh, xem mệnh lệnh của đảng như ý chỉ của Thần Thánh, bất kể việc gì đảng giao cũng không suy xét đúng sai phải trái, không kể nhân nghĩa đạo đức, thậm chí không tiếc sinh mạng của bản thân, bất chấp tất cả mà hoàn thành cho bằng được!
Họ có thể thắng là bởi họ đã bỏ qua mọi tiêu chuẩn khuôn phép đạo đức mà người bình thường với đầy đủ nhân tính không dám vi phạm, còn họ đã thay thế nhân tính bằng “đảng tính”.
Lại nói, kỳ thực ĐCSTQ còn tự đặt mình cao hơn cả Thần Phật, và thực tế họ cũng đã làm như vậy trong “đại cách mạng văn hóa”: Đánh đổ tất cả các tôn giáo, tuyên truyền chủ nghĩa vô Thần, người ta tin vào Thần Phật thì bị cho là “phong kiến mê tín”, còn tin vào đảng thì được coi là “đỉnh cao trí tuệ”, là được “ánh sáng chân lý chiếu qua tim”.
Trong Thần Long giáo có một nhân vật là Bạn đầu đà, là người xuất gia, để tóc tu hành. Bạn đầu đà tuy cũng nói mình là kẻ tu hành, cũng gọi người khác là “thí chủ” và xưng “bần tăng”, nhưng nếu người ta vì kính trọng mà gọi y là “Bạn tôn giả” thì y hoảng hốt vô cùng, y cho rằng: “Không có tôn giả nào hết! Không có Phật Đà, Bồ Tát, La Hán hay Thánh Nhân nào cả, mà chỉ có Hồng giáo chủ thôi, không ai có khả năng so sánh ngang hàng với Hồng giáo chủ!”
Chi tiết này trong truyện tuy vắn tắt, nhưng bỏ qua thì là một thiếu sót lớn! ĐCSTQ quả thật không chỉ cải biến tư tưởng của người thường, mà còn cải biến luôn cả tư tưởng của người trong tôn giáo, bẻ cong giáo lý của tôn giáo. Dù ĐCSTQ cấm tôn giáo hay cho phép tôn giáo hoạt động, thì cũng như nhau cả thôi, vì đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của đảng: Là người thờ Phật thì phải hiểu rằng đảng cao hơn Phật, là người thờ Chúa thì cũng phải hiểu rằng đảng cao hơn Chúa,…
Trải qua mấy chục năm làm biến dị tôn giáo, ngày nay tại Trung Quốc thật sự đã xuất hiện những “hòa thượng đảng”, có các phát ngôn báng bổ Thần Phật kiểu như “đại hội đảng là kinh Phật”, “không có đảng cộng sản thì không có Phật Như Lai”, “Đạt Lai Lạt Ma chuyển sinh phải tuân thủ pháp luật quốc gia”,…
Như vậy, Thần Long giáo và Hồng giáo chủ mà Kim Dung mô tả trong Lộc Đỉnh Ký, chính cái nhìn của tác giả đối bản chất của ĐCSTQ.
Nếu trong kết thúc của Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung để cho Ma giáo (Nhật Nguyệt giáo) tự thay đổi, và chủ động hóa giải ân oán với các môn phái, mang lại hòa bình cho thiên hạ, và người đứng ra làm sự việc này tên là Hướng Vấn Thiên, để bày tỏ nguyện vọng mong chờ một sự cải cách và canh tân toàn diện từ phía ĐCSTQ, khiến nó trở nên tốt đẹp hơn và quản lý đất nước trong hòa bình, đồng thời hóa giải xung đột với Đài Loan và các dân tộc khác trên thế giới, ba chữ “Hướng Vấn Thiên” có nghĩa là ngước lên hỏi Trời xem nguyện vọng này có thể thành hay không; thì đến Lộc Đỉnh Ký kỳ vọng mong manh này cũng đã đổ vỡ.
Thần Long giáo so với Nhật Nguyệt giáo thì càng xấu xa hơn, trá ngụy, tà ác, và điên cuồng hơn, thật sự đã đến mức hết thuốc chữa. Kết cục tất yếu của Thần Long giáo, khi mâu thuẫn giữa các giáo chúng với nhau, giữa các chưởng môn sứ với nhau, và giữa các thuộc hạ với giáo chủ đều bị đẩy lên đến đỉnh điểm, họ tự quay sang đánh giết lẫn nhau, Hồng giáo chủ bị các thuộc hạ bao vây tấn công, ngay cả vợ của ông ta cũng phản bội ông ta.
Thần Long giáo hoàn toàn sụp đổ, nhưng không phải do thế lực nào đó bên ngoài đến tiêu diệt họ, mà là nội bộ của họ tự đấu đá và tiêu diệt chính mình. Đây cũng chính là kết cục không cách gì thay đổi được mà Kim Dung đã nhìn thấy trước của ĐCSTQ, sau một thời gian dài từng đặt kỳ vọng vào nó,….
(còn tiếp)
Thế Di