Những ngày gần đây, người dân đang hoang mang khi ăn hoa quả, kẹo socola, uống nước ép trái cây, thuốc bệnh… cũng có thể bị CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Nhật, Cục CSGT – Bộ Công an cho biết, trên thực tế có những tình huống như ăn trái cây (sầu riêng…) mà hơi thở có nồng độ cồn thì ‘người vi phạm’ có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Do đó, nếu kết quả nồng độ cồn chưa rõ ràng người vi phạm có thể được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác. Tuy nhiên, việc ai là người trả tiền xét nghiệm máu thì ông Nhật không cho biết rõ.
Theo Chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, nước trái cây lên men công nghiệp có từ 3 – 5% nồng độ cồn etylic; nước trái cây lên men thủ công tự làm vẫn có cồn etylic; có loại nước trái cây lên men mà nồng độ cồn đến 12%… về mặt nguyên tắc vẫn thể hiện nồng độ cồn trên máy đo của Cảnh sát giao thông (CSGT).
Ngoài ra, kẹo socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng… và nhiều loại hoa quả như: sầu riêng, vải, nho, dứa, táo, chuối, xoài… cũng đều chứa nồng độ cồn.
Trước đó, vào đêm 2/1, khi đang điều khiển xe tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, tài xế P.M.V. (Bắc Ninh) đã bị CSGT ra hiệu dừng xe máy để yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Với kết quả nồng độ cồn 0,159 mg/lít khí thở, tài xế V bị phạt 2,5 triệu đồng và tước bằng lái gần 1 năm theo quy định. Và trong video do đài Truyền hình Quân đội thực hiện mới đây, sau khi cho tài xế ăn 3 quả vải, nồng độ cồn đo được là… 0.17mg/lít khí thở. Điều này có nghĩa là chắc chắn ai cung sẽ bị phạt dù không uống rượu bia.
Về trong vấn đề này, trên truyền hình QPVN, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông cho biết, ‘ăn hoa quả gây say vẫn tạo ra ảo giác giống như uống rượu’. Với lý do “đã là luật thì khó hài hòa hết lợi ích”, ông Tùng khuyên người dân nên nắm rõ loại hoa quả, thực phẩm nào có nồng độ cồn để tránh khi lái xe.
Uống rượu, bia bao lâu thì có thể lái xe ?
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu, bia đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng, loại rượu, bia mình uống, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu, bia mình uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao, không ai giống ai cả.
“Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà tối hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Từ Nguyên (t/h)