Tinh Hoa

Ấn Độ-Pakistan: Giao tranh ác liệt nhất trong thập kỷ

Giao tranh dữ dội nhất giữa hai láng giềng đang nắm trong tay vũ khí hạt nhân là Pakistan và Ấn Độ đã xảy ra sau gần một thập kỷ, khiến 5 dân thường thiệt mạng và hàng nghìn người tháo chạy tới các trại tị nạn quanh khu vực tranh chấp Kashmir hôm Thứ Tư (8/10).

Một quân nhân Ấn Độ canh gác trong khi tuần tra gần trạm kiểm soát trên Đường Biên Kiểm soát được lập ra sau hiệp định ngừng bắn chia cắt Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, tại huyện Poonch, vào ngày 7 tháng 8 năm 2013. (Ảnh: Reuters/Mukesh Gupta/Tư liệu)

Tổng cộng có 17 thường dân từ Pakistan và Ấn Độ thiệt mạng kể từ khi xảy ra cuộc đối đầu hơn một tuần qua ở vùng Himalaya, nơi đa số người Hồi giáo sinh sống.

Kashmir được cả hai nước trên xác nhận chủ quyền và từ lâu khu vực này là điểm nóng chính ở Nam Á. Mỗi bên đều cáo buộc nhau tấn công dân thường và vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại biên giới đã được ký kết từ năm 2003.

Điểm nóng chạy dài 200 km dọc biên giới giữa hai nước ở vùng Kashmir. (Ảnh: Google)

Trong khi đó, các vụ đấu súng lẻ tẻ vẫn thường xuyên diễn ra dọc biên giới giữa hai nước khiến nhiều người thiệt mạng, dân thường chiếm đa số. Cụ thể, 3 người dân Pakistan và 2 người Ấn Độ đã thiệt mạng hôm Thứ Tư (8/10). “Chúng tôi đang rất lo ngại và muốn sớm có giải pháp cho cuộc đụng độ này. Quả thực, chúng tôi không muốn tình hình trở nên nghiêm trọng”, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ là ông Arup Raha nói trước báo giới.

Một quan chức cấp cao thuộc lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ cho biết, quân đội nước này đã đáp trả lại các cuộc tấn công bằng súng máy và súng cối của Pakistan ở 60 địa điểm dọc 200 km biên giới vào Thứ Tư (8/10).Hoảng sợ trước chiến tranh, khoảng 18.000 thường dân Ấn Độ đã phải tháo chạy và rời bỏ nhà cửa ở các vùng trũng của khu vực Jammu để trốn trong các trường học bỏ hoang hoặc trại tị nạn.

Người dân Ấn Độ ngồi trong một xe kéo đẩy rời bỏ đến những nơi an toàn hơn tại làng Devi Garh gần Jammu, vào ngày 7 tháng 10 năm 2014 . (Ảnh: REUTERS/Mukesh Gupta)

Ông Gharo Devi ở Arnia, nơi vừa có 5 thường dân thiệt mạng hôm Thứ Hai (6/10), đang trú ẩn trong một trường học phải đóng cửa vì các cuộc giao tranh, than thở: “Nếu quân đội Ấn Độ và Pakistan thù địch thì hãy để họ đánh nhau. Hà cớ gì khiến chúng tôi phải chịu đựng thế này?”

Một nông dân 48 tuổi tại Muhammad Rafiq, Pakistan cho biết, ông suýt chết khi súng cối rơi trúng mái ngôi nhà làm bằng bùn rơm khiến nó đổ sụp xuống. “Vì quá sợ nên tôi tự nhốt mình trong nhà. Giao tranh diễn ra hàng đêm. Gia đình tôi không thể ở lại đây”, người đàn ông này nói, trong tay cầm mảnh đạn súng cối rơi trúng và làm sập mái nhà mình.

Nhân chứng kể lại, ngay gần đấy, hai cháu trai và bà ngoại đã thiệt mạng khi trúng phải một quả súng cối trong lúc đang ngủ. Một em bé mới 3 tuổi cũng bỏ mạng vì pháo nổ. Thiếu Tướng Pakistan là ông Khan Tahir Javed Khan cho biết, số lượng đạn súng cối và đạn hạt đậu xuất hiện ngày càng nhiều  trong những tuần gần đây. “Đây là giao tranh dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới họ, hãy bớt căng thẳng”, ông Khan bày tỏ.

NGUYÊN NHÂN “CHÍNH TRỊ”

Một người dân Ấn Độ đang dọn dẹp các mảnh vỡ từ ngôi nhà của mình, bị hư hỏng bởi các vụ đấu súng ở biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, tại làng Trewa gần Jammu, vào ngày 7 tháng 10 năm 2014 . (Ảnh: REUTERS/Mukesh Gupta)

Cuộc giao tranh xảy ra đúng vào thời điểm có nhiều thay đổi quyền lực ở Nam Á, khi quân Pakistan đóng vai trò quyết đoán hơn về mặt chính trị và chủ nghĩa dân tộc mới của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, lại hứa hẹn sẽ áp dụng chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

Thủ tướng Pakistan là Nawaz Sharif bị suy giảm quyền lực do nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra từ hồi tháng Tám. Mặc dù ông Sharif có được hậu thuẫn từ quân đội, nhưng ông phải ‘nhượng lại’ quyền quyết đoán một số vấn đề cho các tướng lĩnh, bao gồm cả mối quan hệ với Ấn Độ.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 5/2014, Thủ tướng Modi hứa sẽ có đường lối cứng rắn hơn trong tranh chấp biên giới với Pakistan. Trước đó các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã hủy bỏ vòng đàm phán với Pakistan. Và cho dù Thủ tướng Sharif đã đến tham dự lễ nhậm chức của ông Modi, nhưng hai bên vẫn không gặp gỡ tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York hồi tháng Chín.

“Tình trạng bất ổn hiện nay là hệ quả tất yếu của mối quan hệ chính trị ngày càng đi xuống giữa Ấn Độ và Pakistan. Điều đáng lo ngại là quân đội Pakistan đang được đặt ở vị trí điều hướng chính trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Còn quân đội Pakistan lại thiếu nhiệt tình trong việc hòa giải”, ông Michael Kugelman, Chuyên gia cao cấp của Chương trình Nam và Đông Nam Á tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson nhận xét.

Trong hầu hết các trường hợp, Ấn Độ thường đổ lỗi bạo lực bùng phát dọc biên giới là do quân đội Pakistan. New Deli cáo buộc lực lượng này ẩn núp dưới chiêu bài các chiến binh ly khai hòng xâm nhập vào một phần lãnh địa Kashmir của Ấn Độ. Hôm Thứ Hai (6/10), nước này tuyên bố đã tiêu diệt ba binh sỹ Pakistan. Trong khi đó, Islamabad lại tố quân đội Ấn Độ đang vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo ở Kashmir.

Thiên Hà, Công Lý – Theo Reuters