Trong quá khứ, cuộc chiến màn hình thuộc về LCD và CTR. Hiện tại, LCD tiếp tục đương đầu với công nghệ LED, hay cụ thể hơn là IPS LCD và AMOLED.
Nhiều người có thói quen đánh giá màn hình smartphone hay tablet thông qua những thông số như độ phân giải, mật độ điểm ảnh, kích thước màn hình mà ít để ý đến công nghệ hiển thị bên trong nó. Trong thế giới của những thiết bị di động hiện nay, IPS LCD và AMOLED là hai công nghệ được sử dụng phổ biến nhất.
IPS LCD IPS (in-plane switching) là nhánh chính của màn hình LCD, được Hitachi phát triển vào năm 1996 với các lớp tinh thể lỏng được xếp theo hàng ngang song song với hai lớp kính phân cực ở trên và dưới thay vì đặt vuông góc. Cải tiến này giúp màn hình giảm tán xạ ánh sáng, cho góc nhìn rộng hơn và màu sắc hiển thị tốt hơn so với chuẩn TFT LCD từng phổ biến trước khi có IPS. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng màn hình IPS LCD lại yêu cầu một đèn nền sáng hơn, dẫn đến tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Đồng thời, công nghệ này cũng khiến màn hình dày hơn so với các loại khác. AMOLED AMOLED (Active Matrix Organic Emitting Diode – màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ ma trận động) là công nghệ nâng cấp từ OLED (màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ). AMOLED khắc phục được tình trạng “ngốn pin” của IPS LCD và cũng mỏng hơn. Các màn hình AMOLED (và Super AMOLED từ Samsung) hiện nay đều có góc nhìn rộng hơn hẳn IPS LCD và màu sắc có chiều sâu hơn. Tuy nhiên, do khó sản xuất hơn IPS LCD, nên màn hình AMOLED có chi phí cao và khiến sản phẩm đội giá lên đáng kể. AMOLED hay IPS tốt hơn? Tuy xuất hiện từ lâu, nhưng cả hai công nghệ màn hình vẫn đang được các nhà sản xuất không ngừng cải tiến. Super AMOLED lẫn Super IPS LCD đều dần khắc phục phần nào những nhược điểm của mình, nhưng cả hai đều có những ưu điểm riêng biệt. Nếu muốn một màn hình rực màu, có chiều sâu và tiết kiệm pin, AMOLED là lựa chọn tốt. Hầu hết smartphone của Samsung, Microsoft,… đều đang sử dụng công nghệ này. Với những người dùng thường xuyên di chuyển và sử dụng máy ngoài trời, hoặc cần hình ảnh, văn bản có độ nét cao, màn hình IPS LCD sẽ phù hợp hơn. Những smartphone tiêu biểu đang dùng màn hình IPS LCD gồm iPhone, smartphone của Sony, LG, HTC,… Riêng LG, hãng vừa giới thiệu LG G4 với màn hình lượng tử (Quantum Display). Công nghệ này vốn được phát triển từ IPS LCD, cho phép thiết bị hiển thị dải màu siêu rộng, tương đương với chuẩn màu phim từ Hollywood. Màn hình lượng tử cho độ sáng tăng lên 25% và độ nét tăng lên 50% so với màn hình thông thường. Duy Nguyễn |
Theo Zing