Trở lại ‘làng lốc’ Nghệ An
Tôi rời “làng lốc” vẫn nghe câu vọng câu hò của người dân biển nơi đây: “Đi thì chết một mình cha/ Không đi thì chết cả bà lẫn con”…
Trong một buổi chiều, ngôi làng ấy phải nuốt nước mắt tiễn đưa 60 trai tráng về với biển trong trận cuồng phong. Giờ đây, ngày định mệnh ấy trở thành “đại tang” ở vùng quê nghèo. Đau đớn hơn khi có nhiều “góa phụ” mãi mãi ôm bóng đợi chồng…
Ngày đại họa 28 năm về trước
Ngôi làng nằm ven biển xã Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An nơi đây năm nào cũng có những trận lốc lớn và trong những trận cuồng phong ấy, đại dương đã cướp đi mạng sống của những trai làng. Và cái tên “làng lốc” cũng ra đời từ một trận đại họa khủng khiếp…..
28 năm về trước, trong buổi chiều ngày 3/4/1983, sau khi chuẩn bị lưới, lương thực, trên 100 chiếc thuyền nan băng băng lướt sóng. Trời xanh, biển lặng, ai cũng hi vọng sẽ được nhiều cá, tôm.
Đoàn thuyền ra khơi được gần 15 hải lý, bỗng chốc mây đen kéo đến vần vũ, sấm chớp nhì nhằng, gió rít rùng rợn, chưa kịp trở tay thì những cột gió như những chiếc vòi rồng khổng lồ xoắn xuýt ập đến kèm theo mưa lớn điên cuồng như hàng ngàn con trâu bị chọc tiết đang lao từ trên núi về.
Làng chài Diễn Hải, nơi từng chiến “đại tang” 28 năm về trước |
Đến khoảng 5 giờ chiều, gió lặng dần, mưa mỗi lúc một nặng hạt, tiếng người kêu cứu, tiếng gào thét dậy cả một vùng biển. Hơn 100 chiếc thuyền nhỏ nhoi đều bị sóng hất lên không trung xô lật úp. Cơn lốc đi qua chỉ chưa đầy giờ đồng hồ mà đã cướp đi mạng sống của hơn 60 trai tráng. Sáng hôm sau, xác người chết trôi dạt dọc dài bãi biển xã Diễn Hùng xuống bãi ngang xã Lạch Vạn (thuộc xã Diễn Bích), huyện Diễn Châu. Nhiều nạn nhân bị cá rỉa không còn hình dạng.
Nắng chiều hiu hắt, bãi biển Hòn Câu, xã Diễn Hải chất chứa đầy không khí tang thương, người đông nghịt ngồi bó gối bên nhau, những tiếng khóc vỡ òa, ai oán.
Sáng đó, trời mưa ảm đạm, cả “làng lốc” rợp vành khăng tang trắng, nối thanh nhau từng đoàn dài ra nghĩa địa….
Người dân làng chài vẫn còn nghèo |
Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Đức Thái, một trong những nạn nhân sống sót sau cơn lốc ấy, . Giọng ông trầm xuống: “Làng biển nghèo lắm, người ta ra biển bằng thuyền to máy lớn, nhưng cả cái làng này cứ bao đời chặt tre về rồi tự đan những chiếc thuyền nan mong manh để ra khơi kiếm sống”.
Theo lời ông, năm nào làng cũng phải gạt nước mắt tiễn đưa những người xấu số nằm lại giữa biển khơi. Nhưng đại họa đau thương nhất chính là ngày 3/4/1983.
Một gia đình, 3 thế hệ đều chết do lốc
Nhiều gia đình “làng lốc” còn phải gánh chịu nỗi đau khi có 3-4 người thân vĩnh viễn nằm lại nơi biển cả.
Như gia đình ông Nguyễn Văn Mão có 2 người con trai là Nguyễn Ngọc Chữ, Nguyễn Ngọc Sử, con rể Lê Văn Xuân và cháu đích tôn Nguyễn Ngọc Hoàng đã hiến thân nơi biển cả.
Gia đình ông Lê Doan có 3 người con gồm: Lê Doan, Lê Công, Lê Hùng (13 tuổi) và còn còn rất nhiều gia đình khác cùng chung số phận bạc mệnh nơi biển cả.
Và họ vẫn phải bám vào biển mưu sinh |
Ở bãi biển Hòn Câu, mỗi khi chiều về, có một người đàn ông tóc hoa râm, áo quần rách tơi tả chạy như lao trên bãi cát rồi hướng mặt ra ánh biển, ánh mắt ngầu đỏ gào, hú lên man dại.
Người làng cho biết, đó là ông lão đã thoát chết trong một trận lốc kinh hoàng của 28 năm về trước. Thoát chết, nhưng lão bị điên. Chiều nào lão cũng lao ra phía Hòn Câu rồi ngửa mặt lên trời gào khóc gọi tên những người bạn năm nào đã từng chìm dưới đáy biển sâu.
Một số người thoát chết trong trận lốc biển đã phải đoạn tuyệt vĩnh viễn với nghề biển. Sau này, nhiều người khác cũng lần lượt rời bỏ làng chài vì quá sợ hãi.
Bỏ nghề, nhưng cũng không dễ gì sống được. Cả làng quanh năm ngập úng chua phèn, cây lúa trồng lên chỉ nhỏ như cỏ may. Một thời gian ngắn, có người lại quay về bám mặt vào biển, dẫu biết rằng tính mạng rất mong manh. Rất nhiều người đàn ông ra đi đã phó mặc cả cuộc đời cho biển. Trong số đó, nhiều người vĩnh viễn không bao giờ trở lại được bến bờ, nơi vợ và các con thơ đang hằng ngày mong đợi.
Ở “làng lốc” giờ người dân chuyển sang kinh doanh du lịch. Nơi bãi biển từng chứng kiến trận cuồng phong năm nào giờ mọc lên san sát nhà nghỉ, quán hàng. |
“Làng lốc”, chẳng biết từ đâu được người dân quanh vùng gọi bằng cái tên đầy nghiệt ngã: “Làng không chồng”. Ở đây, có trên 30 mái lá vắng bóng đàn ông. Nhưng họ vẫn kiên cường chống chọi với giông bão cuộc đời để nuôi con khôn lớn trưởng thành.
“Đó là nỗi đau của gần 30 người phụ nữ mất chồng. Còn nỗi đau, nỗi vất vả nào hơn khi phải mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình, những người đàn bà bất hạnh ấy, họ phải vừa làm chồng, làm cha, thay người đàn ông để nuôi con khôn lớn lên trong cảnh bần hàn, cuộc sống của họ còn mặn cả muối”- Ông Thái thở dài.
Biển “bạc” !
Bãi biển Hòn Câu giờ không còn ảm đạm, u ám như xưa. Giờ người dân đổ xô kinh doanh làm du lịch, san sát là những hàng quán đặc sản, người tứ xứ qua nghỉ chân nhộn nhịp.
Tuy nhiên, làng biển vẫn nghèo. Chúng tôi cùng với ông Thái ra bãi biển để đón ngư dân về. Không phải là thuyền nhưng tiếng máy vẫn nổ giòn tan. Trước đây, đi thuyền nan không an toàn, nên ngư dân đã biết cải tiến thành bè mảng. Loại này làm khá đơn giản, chỉ 6 cây tre giao lóng, ngâm bùn thật chắc rồi chẻ làm đôi nẹp xốp vào giữa thành cái bè, phía sau gắn thêm chiếc máy nổ.
Tuy nhiên, họ phải phó mặc tính mạng của mình cho biển cả |
Cả xã Diễn Hải giờ cũng có gần trăm chiếc bè mảng, theo công suất chỉ khai thác gần bờ vì không thể chịu được lốc lớn. Vậy nhưng, vì miếng cơm manh áo, các ngư dân vẫn cứ ra khơi xa.
Một ngư dân cho hay, do nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, nên ngày nào “thuận buồm xuôi gió” thì được 100-200.000 đồng, có khi cả ngày chỉ được 3-4 con cá nhỏ. Dân biển đành phải làm liều ra khơi mới có cá lớn.
Khoảng chục năm trở lại đây, “làng lốc” lại “ghi danh” thêm gần 20 trường hợp tử nạn chủ yếu là do lốc cuốn trôi.
Tôi rời “làng lốc” vẫn nghe câu vọng câu hò của người dân biển nơi đây: “Đi thì chết một mình cha/ Không đi thì chết cả bà lẫn con”. Người dân chài nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, họ chỉ biết trông chờ vào biển và vợ con được sống qua ngày. Có khi, dân làng chài phải phó thác tính mạng của mình nơi biển cả.
GIANG GIANG
Theo Bưu Điện Việt Nam