Khỉ sẽ biết nói như người?
Viện Hàn lâm Y học Anh vừa đưa ra những lời cảnh báo về nguy cơ từ việc cấy ghép gien người vào động vật. Họ khuyến cáo rằng, việc tạo ra các đặc trưng ngôn ngữ hay hình dáng của con người ở động vật sẽ phạm phải các vấn đề về đạo đức. Viện đang hối thúc Chính phủ Anh phải đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn về những vấn đề liên quan đến nghiên cứu y học trên động vật. Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng, những cuộc thí nghiệm cấy tế bào người trên cơ thể động vật có thể tạo ra sự đột biến: những con khỉ có thể biết tư duy và nói như người.
Cảnh báo trên cũng nhắc đến những cuộc tranh luận về giới hạn trong nghiên cứu khoa học. Giáo sư Trường Đại học Hoàng gia London Christopher Shaw, một trong những tác giả của cảnh báo trên cho biết, những nghiên cứu như vậy là “siêu quan trọng”. Song họ không phản đối những thí nghiệm như cấy tế bào và mô của con người lên động vật. Những nghiên cứu hiện nay như ghép tế bào ung thư vào chuột để thử nghiệm loại thuốc mới nhằm ngăn chặn sự phát triển của nhiều bệnh tật là rất quan trọng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cần phải có quy định mới về những nghiên cứu khoa học như thế này.
Sự tiến bộ khoa học
Sự tiến bộ khoa học ngày nay cho phép gây ra những tổn thương ở loài chuột tương tự như gây bệnh đột quỵ ở người. Quá trình trên sau đó được ứng dụng vào con người để chữa bệnh. Một nghiên cứu khác cũng có liên quan tới đề tài trên là việc cấy ghép nhiễm sắc thể hội chứng Down của người vào bộ gien của chuột. Quá trình này cực kỳ cần thiết để nghiên cứu về căn bệnh trên.
Cấy tế bào não người lên khỉ có thể sẽ tạo ra những con khỉ biết nói và có “nhân cách”. |
Mặc dù hầu hết các thí nghiệm đều được thực hiện trên chuột, nhưng các nhà khoa học cũng đặc biệt quan tâm đến những nghiên cứu trên loài khỉ. Ở Anh, các nhà chức trách cấm những đề tài nghiên cứu tiến hành ở loài khỉ dạng người như gorilla, tinh tinh hay đười ươi. Tuy nhiên, ở các nước khác như Mỹ thì lại cho phép.
Theo giáo sư Thomas Baldwin, một thành viên khác của Viện Hàn lâm Y học Anh, điều mà con người lo ngại nhất chính là nếu cấy một số lượng lớn tế bào não con người vào não các loài linh trưởng thì đột nhiên các loài khỉ hình người có được những khả năng kỳ diệu mà chỉ con người mới có, như khả năng ngôn ngữ chẳng hạn. Phép màu này trước đây chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, nhưng nay chúng ta cũng phải nên xem lại.
Những lĩnh vực “nhạy cảm”
Những cảnh báo cũng chỉ ra những lĩnh vực “nhạy cảm” nhất trong nghiên cứu về động vật. Sự phát triển khoa học làm tăng nhận thức của loài vật thông qua quá trình sinh sản và việc tạo ra “tính cách” sẽ làm cho loài vật giống như con người. Giáo sư Martin Bobrow, tác giả chính của bài cảnh báo cho rằng, nếu một con khỉ nhận được các nguồn gien của con người thì nó sẽ đạt được những khả năng tương tự như một con tinh tinh. Cho nên đã đến lúc nên dừng lại các cuộc thí nghiệm này tại đây. Trong lĩnh vực sinh sản, nếu phôi thai động vật mà bắt nguồn từ tinh trùng và trứng của người thì không được phát triển quá mười bốn ngày.
Những khía cạnh gây tranh cãi nhất thời gian đây chính là loài vật có khả năng có được những tính cách mà chỉ có độc nhất ở con người. Những cuộc thí nghiệm gieo cấy như trên còn gọi là “ làm cho động vật bị người hóa”. Việc tạo cho động vật những đặc trưng: ngôn ngữ hay vẻ ngoài giống con người, cho dù ở hình dạng ngoài hay kết cấu da đều động chạm mạnh mẽ đến các phạm trù đạo đức. Thật là tồi tệ khi có những con khỉ biết nói hay là điều đó sẽ rất thú vị khi xem chúng nói chuyện với loài người chúng ta?
Một phát hiện bất ngờ và thú vị về loài khỉ
Trước kia, các nhà khoa học cho rằng, chỉ có con người mới có khả năng thể hiện cảm xúc hối tiếc, một loại cảm xúc quan trọng giúp chúng ta rút kinh nghiệm tránh khỏi những sai lầm tương tự từng làm trước đó. Nhưng một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, loài khỉ nâu rezut cũng biết cách thể hiện cảm xúc tương tự như cảm giác thất vọng và hối tiếc của con người.
Hai nhà nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Yale, Mỹ, đã dạy loài động vật trên chơi phiên bản một trò chơi đã được sửa đổi. Con khỉ nào chiến thắng sẽ được thưởng một bình lớn nước trái cây. Con khỉ bị thua sẽ không nhận được phần thưởng. Giáo sư sinh học thần kinh Daeyeol Lee và giáo sư Hiroshi Abe thuộc Khoa Sinh học thần kinh cho biết: những con khỉ thua trong trò chơi “búa – kéo – giấy” (oẳn tù tì) thường biểu lộ sự hối tiếc về sơ suất của mình.
Vậy tại sao các nhà nghiên cứu lại biết được rằng loài khỉ cũng thể hiện cảm xúc? Các nhà nghiên cứu đã quan sát và nhận thấy, mỗi khi con khỉ bị thua trong trò chơi, nó sẽ bắt chước hành động của kẻ chiến thắng để áp dụng trong vòng chơi sau (ví dụ: nếu nhà nghiên cứu đưa búa ra, đánh bại khỉ có hành động đưa kéo ra thì khỉ sẽ ra búa trong vòng chơi sau). Các nhà nghiên cứu cho biết, điều đó chứng tỏ rằng, loài khỉ có khả năng phân tích kết quả của lần chơi trước và rút kinh nghiệm cho lần chơi sau.
Trong thí nghiệm thứ hai, giáo sư Lee và Abe đã ghi lại chức năng thần kinh của khỉ khi chúng tham gia trò chơi để có thể hiểu rõ hơn về cảm giác tiếc nuối của loài khỉ được ghi lại như thế nào trong bộ não. Khi khỉ bị thua trong trò chơi, hai phần của não gắn liền với bộ phận lý trí và cảm xúc hoạt động: đó là vỏ não trước trán (dorsolateral prefrontal cortex) – nơi trí nhớ ngắn hạn làm việc và vùng não trán hốc mắt (orbitofrontal cortex) – nơi ghi nhận cảm xúc tiếc nuối và dẫn đến những tác động xấu ảnh hưởng tới tinh thần cũng như sức khỏe của khỉ, giống như ở con người.
Các giáo sư Lee và Abe hy vọng rằng, những kết quả nghiên cứu của họ có thể ứng dụng vào việc tìm ra phương pháp điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh hối tiếc mãn tính (ví dụ như bệnh thần kinh làm cho bệnh nhân bị ám ảnh bởi quá khứ). Trong một bản báo cáo, giáo sư Lee cho biết: “Cảm giác hối tiếc có lợi cho chúng ta trong phần lớn trường hợp, bằng cách giúp chúng ta nhận ra những lựa chọn nào đã mang đến kết quả xấu. Nhưng đôi khi hối tiếc cũng có những tác động xấu tới tinh thần và sức khỏe của con người”.