Chết oan vì nhân chứng?
– Một trong những bản án tử hình gây tranh cãi nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ vừa được thi hành. Trong khi đó, một số nhà khoa học cho rằng, việc xét xử dựa trên nhân chứng như trường hợp này có thể dẫn đến những sai lầm khủng khiếp.
Giết người vô tội?
Hai mươi năm sau khi ra tòa lần đầu tiên, Troy Davis, một tử tù 42 tuổi đã bị thi hành án vào đêm 21/9 tại một nhà tù thuộc bang Georgia. Cho đến phút cuối, tù nhân này vẫn khẳng định mình vô tội.
Hàng nghìn người ủng hộ Davis đã tập trung bên ngoài nhà tù cũng như trước cửa Nhà Trắng và các đại sứ quán Mỹ ở Paris (Pháp), London (Anh) để cầu nguyện cho anh và phản đối bản án. Trước đó, rất nhiều nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới như Giáo hoàng Benedict XVI, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng lên tiếng yêu cầu xét xử lại trường hợp này.
Trong quá trình điều tra, những câu hỏi mang tính chất gợi ý cũng có thể làm xáo trộn trí nhớ của nhân chứng. Ảnh: IE. |
Trí nhớ sai lầm
Theo Jason Chan, chuyên gia tâm lý thuộc Đại học bang Iowa, đây không phải là vụ án đầu tiên được xét xử chủ yếu dựa vào nhân chứng tại hiện trường và chứng cứ gián tiếp. Thành công của phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào trí nhớ của người làm chứng, trong khi độ tin cậy của trí nhớ không phải lúc nào cũng đảm bảo.
Maria Zaragoza (chuyên ngành tâm lý, Đại học Kent) cho rằng, khi ở hiện trường, trạng thái cảm xúc bất thường khi chứng kiến một vụ án có thể khiến mọi người không tập trung vào các chi tiết quan trọng, mà chỉ ghi nhớ những gì gây ấn tượng mạnh. Ví dụ, người ta thường chú ý vào khẩu súng nhiều hơn vào khuôn mặt người cầm nó.
Trong quá trình điều tra, những câu hỏi mang tính chất gợi ý cũng có thể làm xáo trộn trí nhớ của nhân chứng. Một trường hợp điển hình là vụ nữ sinh 22 tuổi Jennifer Thompson bị một kẻ đột nhập dùng dao uy hiếp và cưỡng bức. Nhận diện qua ảnh, tại cơ quan điều tra và trước tòa, cô gái luôn luôn khẳng định thủ phạm là Ronald Cotton. Nhưng 11 năm sau, kỹ thuật ADN đã chứng minh Cotton vô tội.
Theo nhận định của các chuyên gia, có lẽ quá trình hợp tác với kỹ thuật viên phác thảo chân dung tội phạm đã làm thay đổi trí nhớ của Thompson về khuôn mặt kẻ gây án. Sau đó, khi được nhận diện người thật, hình dung của cô về thủ phạm càng được củng cố, dù nó không chính xác. Kết quả là dù nhìn thấy kẻ cưỡng bức thật sự ở tòa, cô cũng không nhận ra hắn.
Một nghiên cứu năm 2004 cũng cho thấy, người ta có thể thay đổi ký ức của các nhân chứng trong một vụ đánh bom khủng bố bằng cách gợi ý rằng họ đã nhìn thấy một số sự vật mà thực tế không có trên hiện trường.
Lẫn lộn thông tin
Một điểm yếu nữa của việc xét xử dựa trên nhân chứng là trong nhiều trường hợp, người ta thường nhớ nhầm những thông tin mà người khác đưa ra là của mình. Một nghiên cứu của Jason Chan công bố năm 2009 cho thấy, khi các nhân chứng được nghe điều tra viên nói về vụ án, họ thường đưa thêm những thông tin này vào ký ức có sẵn của mình một cách vô thức.
Nhiều người, bao gồm cả các thành viên bồi thẩm đoàn thường không đánh giá hết được ảnh hưởng của các yếu tố như khoảng cách đến đối tượng tình nghi, thời điểm nhân chứng quan sát vụ việc… đến mức độ chính xác của lời khai.
Một nghiên cứu của Đại học Washington và Đại học California cho thấy, ở khoảng cách 30m trở lên thì ngay cả những khuôn mặt quen thuộc cũng rất khó nhận ra. Việc nhận diện giữa các chủng tộc khác nhau (ví dụ, người da trắng nhận diện nghi phạm da đen hoặc ngược lại) cũng không chính xác bằng nhận diện cùng chủng tộc. Tâm trạng của nhân chứng cũng ảnh hưởng đến mức độ tin cậy của thông tin.
Thu Thủy (theo Live Science và Telegraph)