Trung Quốc tuyên án tử hình 8 bị cáo tham gia tổ chức khủng bố
Trung Quốc kết án tử hình 8 bị cáo vì chủ mưu tổ chức thực hiện hai vụ tấn công bằng dao và bom hồi đầu năm ở vùng Tân Cương, nơi vốn luôn phải đối mặt với tình trạng bạo lực, phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin hôm Thứ Hai (8/12).
Trong số 8 đối tượng bị kết án tử, có 2 đối tượng đánh bom tàu lửa ở Urumqi, thủ phủ của Khu tự trị Tân Cương, khiến 3 người thiệt mạng ngày 30/4 và làm 79 người bị thương.
6 người còn lại bị bắt trong vụ đánh bom khu chợ thuộc trung tâm Urumqi sau đó khoảng 3 tuần, ngày 22/5, khiến 39 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương sau vụ nổ.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) cho biết, Tòa án Nhân dân Trung cấp ở thủ phủ Urumqi cũng kết án tử hình treo đối với 5 “nghi can khủng bố” khác, trong đó có 3 người dính líu đến vụ án tàu lửa và 2 người là đồng phạm vụ đánh bom chợ Urumqi.
Ngoài các bản án tử hình và tử hình treo do tòa đưa ra, một đối tượng khủng bố khác nhận bản án 5 năm tù giam, 2 đối tượng lãnh án 10 năm tù giam và 1 đối tượng tù chung thân.
Hình ảnh do CCTV đăng tải cho thấy các bị cáo ngồi thành một hàng dài phía trước phòng xử án, mặc áo sáng màu và để đầu trọc. Theo một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, 9/13 người có tên giống với tên của người Duy Ngô Nhĩ bản địa ở Tân Cương.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, tất cả các bị cáo bị cáo buộc tội danh “tổ chức, lãnh đạo và tham gia các tổ chức khủng bố”; “sử dụng chất gây nổ” và “gây nguy hiểm cho cộng đồng bằng các phương tiện nguy hiểm”.
Phát biểu trước bản án này, theo Dilxat Raxit, phát ngôn viên của Tổ chức những người lưu vong của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, trong một môi trường chính trị nặng nề như Trung Quốc, việc xét xử công bằng là điều không thể.
“Trung Quốc đã không xem xét tất cả nguyên nhân gốc rễ sự việc khi nhìn từ quan điểm chính sách cực đoan của mình,” ông nói trong một tuyên bố gửi qua email.
Trong vòng 20 tháng qua, bạo lực đã giết chết khoảng 400 người dân trong và ngoài khu vực đầy bất ổn này. Bắc Kinh quy kết các phần tử liên hệ với nước ngoài để thực hiện những vụ tấn công, hầu hết nhắm vào mục tiêu như trạm cảnh sát, trạm kiểm soát quân sự và tòa nhà chính phủ.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động và phân tích chính trị ở Tân Cương cho rằng, chính sách can thiệp quá thô bạo của Bắc Kinh là nguyên nhân khiến bạo lực bùng phát.
Theo NLĐ