Ảrập Xêút cho phép phụ nữ tham gia bầu cử
Quốc vương Abdullah của Ảrập Xêút hôm qua ban hành sắc lệnh cho phép phụ nữ bỏ phiếu và tranh cử từ năm 2015.
Phụ nữ Ả rập Xê út sẽ hưởng quyền tham gia bầu cử lần đầu tiên vào năm 2015. Ảnh: latimes.com. |
BBC cho biết, quốc vương Abdullah công bố quyết định trong bài phát biểu khai mạc nhiệm kỳ mới của Hội đồng Shura, cơ quan tư vấn của quốc vương. “Phụ nữ sẽ được phép tham gia Hội đồng Shura từ nhiệm kỳ tới. Họ cũng có thể tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương trong tương lai và cũng sẽ có quyền bỏ phiếu”, quốc vương phát biểu.
Sắc lệnh được ban bố sau khi quốc vương Abdullah tham vấn những giáo sĩ hàng đầu tại Ảrập Xêút. Họ là những người có ảnh hưởng lớn trong vương quốc.
Tại Ảrập Xêút, nữ giới phải tuân thủ nhiều quy định cực kỳ bảo thủ và hà khắc của đạo Hồi. Họ thường xuyên bị giám sát bởi cảnh sát tôn giáo, những người hưởng lương để bắt những công dân vi phạm quy định của đạo Hồi trên các đường phố, siêu thị, trường đại học và những nơi công cộng khác.
Hoàng gia Ảrập Xêút từng tranh luận gay gắt về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nhờ chính sách đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục của quốc vương, trình độ học vấn và thu nhập của phụ nữ ngày càng tăng, song họ vẫn không thể giành được các vị trí quan trọng trong xã hội. Trong suốt 20 năm qua nhiều tổ chức đã vận động hoàng gia bãi bỏ những đạo luật hà khắc đối với phụ nữ. Vì thế, giới quan sát cho rằng quyết định của quốc vương Abdullah sẽ làm giảm căng thẳng trong xã hội.
Những cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra vào năm 2015. Như vậy phụ nữ Ảrập Xêút sẽ phải chờ 4 năm để được thực hiện quyền bỏ phiếu và tranh cử.
“Tại sao không phải là ngày mai? Tôi nghĩ quốc vương không muốn gây sốc cho đất nước, nhưng chúng tôi cảm thấy hổ thẹn khi phụ nữ Ảrập Xêút vẫn chưa được hưởng những quyền cơ bản như phụ nữ ở các nước xung quanh”, Wajeha al-Hawaidar, một nhà hoạt động xã hội, bình luận.
Nhiều người tỏ ra bức xúc vì các quy định hà khắc khác vẫn chưa được bãi bỏ. Chẳng hạn, phụ nữ vẫn chưa được phép lái xe hơi và chỉ được ra ra nước ngoài nếu đi cùng nam giới trong gia đình.
“Chúng tôi không đòi hỏi quyền tham gia chính trường, mà chỉ cần những quyền cơ bản. Phụ nữ Ảrập Xêút muốn được đối xử công bằng như nam giới và hủy bỏ quyền giám hộ của nam giới đối với chúng tôi. Chúng tôi có nhiều vấn đề cần được giải quyết ngay lập tức”, Maha al-Qahtani, một phụ nữ làm việc trong Bộ Giáo dục, phát biểu.
Việt Linh